Vì sao doanh nghiệp chần chừ, chưa muốn mua gạo?
Trung Chánh
Giá gạo nội địa vẫn được trụ vững dù hoạt động giao dịch trầm lắng. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang chuyển lúa xuống ghe đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) - Sau một thời gian đẩy mạnh “vét” gạo, bất ngờ các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại quay sang đứng nhìn, khiến hoạt động mua bán trở nên trầm lắng nhưng giá lúa gạo nội địa vẫn được trụ vững. Vì sao?
Lý giải với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về nguyên nhân doanh nghiệp hạn chế mua gạo ở thời điểm hiện tại, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) - doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng mục đích của doanh nghiệp là mua để bán, vì vây doanh nghiệp nào bán được thì họ mới mua vào, ngược lại họ sẽ đứng nhìn.
Theo ông Tuấn, có hai vấn đề chính dẫn đến tình trạng trên: thứ nhất giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu nên hầu như doanh nghiệp không bán được, do đó họ không mua vào; thứ hai, xuất bán tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn bị siết rất chặt, “Trung Quốc không cho gạo Việt Nam qua hoặc có cho qua thì cũng với điều kiện đóng thuế cao mà nếu như vậy thì bán không có lãi, thành ra không ai dám đi”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi 2 (Tiền Giang), cho rằng tâm lý e ngại có khả năng phiên đấu thầu cung cấp 500.000 tấn gạo cho Philippines (dự kiến công bố kết quả vào ngày 28-8 tới- PV) chưa chắc Việt Nam đã trúng, “cho nên hiện tại ai cũng đang trong tâm lý chờ hết”, ông Phong nói.
Theo ông Tuấn, chỉ cần Việt Nam trúng thầu cung cấp gạo cho Philippines 300.000-500.000 tấn thôi, giá nội địa lập tức sẽ còn “sốt” hơn cả thời điểm tháng 7 vừa qua. “Tuy nhiên, nếu không trúng thầu giá sẽ rớt dữ dội hơn, do đó ai cũng đang lo ngại không dám mua trong lúc này mà tiếp tục chờ đợi”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, hiện chỉ những doanh nghiệp nào còn hợp đồng chưa thực hiện xong thì vẫn tiếp tục mua vào, còn lại sẽ đứng nhìn và nghe ngóng diễn biến tình hình mới.
Dù hoạt động giao dịch khá trầm lắng nhưng giá lúa gạo nội địa vẫn giữ ổn định ở mức đã được xác lập cách nay hơn một tuần.
Cụ thể, theo một số thương nhân kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL, hiện lúa IR 50404 có giá dao động khoảng 5.000 - 5.100 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 dao động khoảng 7.500 - 7.550 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân giá lúa gạo nội địa vẫn được trụ vững, ông Dương Văn Mến, thương lái chuyên kinh doanh lúa gạo tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho rằng: thứ nhất hiện lượng lúa hè thu (lúa vụ 2) hầu như đã không còn nhiều, cho nên không phải chịu áp lực tiêu thụ lớn; thứ hai, dù trầm lắng nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện hợp đồng xong vẫn phải tiếp tục mua.
Về diễn biến giá xuất khẩu, theo một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, tuần qua giá chào bán vẫn ổn định. Cụ thể, gạo 5% tấm được chào với giá 450-460 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm có giá 400-410 đô la Mỹ/tấn và 590-600 đô la Mỹ/tấn đối với gạo thơm Jasmines.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong nửa đầu tháng 8-2014, các doanh nghiệp hội viên của VFA xuất khẩu đạt gần 180.000 tấn, trị giá FOB đạt trên 75 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến nửa đầu tháng 8-2014 đạt gần 3,8 triệu tấn, trị giá FOB đạt khoảng 1,7 tỉ đô la Mỹ. |
Đọc thêm: