Làm sao ngăn tình trạng gian lận khi tính chữ đường cho mía?
Trung Chánh
Tình trạng doanh nghiệp gian lận chữ đường vẫn còn xảy ra, dù không phổ biến. Trong ảnh là mía nguyên liệu được chuyển lên một nhà máy để ép. Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) - Liên quan đến thông tin cho rằng cách tính chữ đường (CCS) của doanh nghiệp thời gian qua còn mập mờ, không rõ ràng, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) khẳng định tình trạng đó vẫn xảy ra nhưng không phổ biến lắm.
Một số nông dân trồng mía và thương lái kinh doanh mía ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phản ánh với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng khi chở mía nguyên liệu đến bán cho doanh nghiệp thì việc lấy mẫu và tính CCS để quyết định giá mua vào đều do nhân viên của đơn vị thu mua định đoạt, người bán hoàn toàn không biết quy trình tính toán ra sao. Điều đó làm dấy lên mối hoài nghi về khả năng có gian lận trong việc tính chữ đường để hạ giá mua mía.
“Khi chúng tôi đưa mía đến cầu cảng của doanh nghiệp, nhân viên của họ lấy mẫu rồi cộng CCS, giá mua vào. Họ nói sao biết vậy, chứ mình đâu biết gì”, ông Nguyễn Văn Đua, một thương lái cũng là nông dân sản xuất mía, ngụ tại ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA. Ông Long cho rằng những nhà máy làm ăn đàng hoàng, giữ chữ tín thì mía tốt sẽ có CCS đạt tốt, còn mía xấu thì CCS thấp. “Nhưng nhìn qua hoạt động của các doanh nghiệp vẫn có một số nơi không thực hiện nghiêm túc và tình trạng đó (gian lận cách tính CCS) vẫn xảy ra”, ông Long cho biết.
Để tạo công bằng về cách tính CCS giữa doanh nghiệp và thương lái, ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, đề xuất quy tình tính và công bố CCS cần phải có sự chứng kiến, theo dõi của bên bán.
Tuy nhiên, ông Long của VSSA, cho rằng nếu tính CCS trước mặt người bán có thể sẽ dẫn đến xảy ra tiêu cực (người bán và nhân viên có thể thỏa thuận ngầm với nhau) vì hiện tượng đó đã từng xảy ra khi áp dụng cách làm này.
Theo ông Long, hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh có mía nguyên liệu thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất việc đo và tính CCS của doanh nghiệp xem có minh bạch hay không. “Với cách làm đó, có thể hạn chế được tiêu cực trong cách tính CCS, cho nên theo tôi hiện tượng gian lận trong cách tính CCS có xảy ra nhưng không phổ biến”, một lần nữa ông Long nhấn mạnh.
Về diễn biến giá mía nguyên liệu, theo ông Đua, tại vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hiện giá mua tại ruộng chỉ còn dao động khoảng 650-750 đồng/kg, giảm khoảng 100-150 đồng/kg so với mức giá hồi đầu vụ.
Theo tính toán của bà con nông dân, với giá bán như trên, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, nông dân trồng mía hiện đang huề vốn, thậm chí có trường hợp lỗ khoảng 3-5 triệu đồng/héc ta.
Xem thêm:
Ngành mía đường: tồn kho tăng, giá giảm, hàng lậu tung hoành!