Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

100 năm đọc lại The Great Gatsby: Vĩ đại hay chỉ là đại gia?

Lâm Nghi(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Năm 2025 đánh dấu tròn một thế kỷ tác phẩm Gatsby vĩ đại (tựa gốc: “The Great Gatsby”) của nhà văn F. Scott Fitzgerald ra đời. Đây là loại tác phẩm mà vừa đọc xong người ta lại muốn đọc lại ngay tức khắc, dù cho đó là một bi kịch buồn. Buồn đến uể oải. Nhưng tác phẩm này gửi gắm đến người đọc một thông điệp về sự tự thức tỉnh.

Tác phẩm tràn ngập những cảnh xa hoa, những kiểu ăn chơi phóng đãng nhưng rốt cuộc đấy chỉ là phù du và hư ảo. Một cảm giác choáng lấy tâm hồn ta khi đọc là sự phù phiếm của những cuộc vui chơi không hồi kết, và khi tiệc tàn, không còn gì đọng lại ngoài sự trống rỗng vô nghĩa chiếm lĩnh tâm hồn các nhân vật. Đó là lối sống phổ biến của Thế hệ lạc lối (Lost Generation) mà F. Scott Fitzgerald là một trong những thành viên nổi bật nhất.

“Lost Generation” là khái niệm lần đầu tiên được giới thiệu đến với công chúng qua tác phẩm Mặt trời vẫn mọc của nhà văn Ernest Hemingway, chỉ đến những người Mỹ trưởng thành trong Thế chiến thứ I. Họ sống ở thời đại mà chủ nghĩa vật chất lên ngôi, mục đích sống gần như duy nhất của những người trẻ là làm giàu và hưởng thụ hết mức có thể. Gatsby vĩ đại kể về một người trẻ như thế.

Giấc mơ Mỹ: giấc mộng kê vàng

Tên thật của nhân vật chính là James Gatz. Nhưng anh ta nhanh chóng đổi tên mình thành Jay Gatsby, cũng gấp gáp như cách anh ta muốn chối bỏ gốc gác nghèo hèn của bản thân. Cũng như bao thanh niên cùng thế hệ mình, cả đời Gatsby chỉ có hai điều ước: một là giàu sụ như các đại gia con nhà gia thế và hai là có được tình yêu của các cô tiểu thư xinh đẹp như Daisy.

Gatsby dấn thân vào chiến tranh mong tìm được vinh quang nhưng sự đổi đời thật sự của anh là sau cuộc chiến, khi anh học cách làm giàu từ mánh khóe, lừa lọc và buôn rượu lậu cùng hàng tá các hành vi mờ ám khác. Khi đã đủ giàu để có thể tự tin cầu hôn người đẹp cũng là lúc Gatsby nhận ra cô gái năm xưa đã lấy một người chồng giàu có, Tom Buchanan, dòng dõi thế gia đúng chuẩn thời bấy giờ. Để thu hút sự chú ý của Daisy, Gatsby đã tậu một biệt thự siêu sang trên vịnh West Egg để hàng đêm tổ chức các cuộc chơi xa xỉ cho mọi người đến dự nhưng riêng mình thì không tham gia cùng.

Cuối cùng, nhờ sự “mối lái” của Nick Carraway, nhân vật dẫn truyện trong tác phẩm, Gatsby đã tái ngộ cùng Daisy và cô nàng cũng không ngần ngại nối lại tình xưa với anh. Tuy nhiên, mối tình không kéo dài được bao lâu khi Daisy lái xe gây tai nạn làm chết người tình của chồng. Gatsby vì bảo vệ người yêu đã nhận mọi lỗi lầm và bị bắn chết bởi người chồng của nạn nhân trong khi hai vợ chồng Daisy lặng lẽ rời đi như những kẻ không hề liên quan.

Gatsby là hiện thân của “giấc mơ Mỹ”, của khao khát làm giàu bất chấp thủ đoạn. Thường thì khi đọc tác phẩm một cách hời hợt, độc giả có thể choáng ngợp về tấm gương “vượt khó” của ngài Gatsby, một hình mẫu “tự thân” đổi đời thành công mà không dựa vào gia thế. Chẳng phải cách đây vài năm, một em học sinh đã đạt được điểm 10 môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT lớp 12 nhờ vào bài làm mà trong đó em đã viện dẫn đến Gatsby như ví dụ điển hình của sự vươn lên từ nghèo khó đó sao(1)?

Chúng ta có thể phì cười về sự ví von này của em nhưng rồi chúng ta lặng đi khi chợt nhận ra, có lẽ những con người thuộc Thế hệ lạc lối cũng nghĩ như em, cũng ngưỡng mộ Gatsby và luôn mơ ước đến một ngày đạt được danh vọng như vậy. Không ai quan tâm con đường “thoát nghèo” của Gatsby là gì. Quan trọng gì chứ khi mà Gatsby vẫn sống tốt, vẫn tiêu tiền như nước và vẫn thoải mái mơ mộng về người đẹp trong bể bơi sang trọng giữa khu biệt thự lộng lẫy của mình!

Và, chắc cũng không ai tự hỏi liệu Gatsby có hạnh phúc hay không. Những giờ phút cuối đời, Gatsby có vẻ đang nằm thư giãn trong bể bơi nhưng thực ra không ai biết rằng anh rất sốt ruột, chờ đợi đến nản lòng một cú điện thoại, một lời nhắn gì đó dù là nhỏ nhất từ cô người yêu trong mộng Daisy, người mà anh sẵn sàng che chở bằng cách nhận lãnh mọi tội lỗi về mình. Nhưng rốt cuộc cái chờ đợi anh phía trước lại là một phát súng oan nghiệt từ một người đàn ông khốn khổ mà bản thân anh không có dính líu gì. Mọi thứ có vẻ thật vô nghĩa. Đám tang của Gatsby diễn ra trong cô quạnh khi chỉ có Nick Carraway ở lại để lo liệu mọi thứ cùng với cha của Gatsby, vài người hầu và vị cha cố, còn những người như vợ chồng Daisy thì đã cao chạy xa bay.

“Anh đã trả giá quá cao để sống quá lâu trong chỉ một giấc mộng”. Sự phù phiếm của giấc mộng làm giàu để mơ tưởng một tình yêu vô vọng mà tác giả gửi gắm qua suy nghĩ của Nick Carraway khiến chúng ta liên tưởng đến điển tích giấc mộng kê vàng trong văn hóa phương Đông: đời người thăng trầm thoáng qua như một giấc mộng, mọi vinh quang buồn tủi cũng chỉ ngắn ngủi chưa bằng khoảnh khắc nấu chín một nồi kê.

Một “đại gia Gatsby” hay một “Gatsby vĩ đại”?

Lịch sử chuyển ngữ “The Great Gatsby” sang tiếng Việt đầy tranh cãi, không phải ở nội dung mà là ở chính cái tên. Cho đến nay, đã có bốn bản dịch tiếng Việt của tác phẩm này với ba tên khác nhau: Con người hào hoa trong bản dịch của Mặc Đỗ, Gatsby vĩ đại trong bản dịch của Hoàng Cường và bản dịch của Thiên Lương, và Đại gia Gatsby trong bản dịch của Trịnh Lữ.

Trong một cuộc phỏng vấn, Trịnh Lữ đã giải thích rằng: “Gatsby chỉ là một đại gia, người tạo ra Gatsby mới thực sự vĩ đại”(2). Cách giải thích của Trịnh Lữ có thể nhận được sự đồng cảm từ nhiều độc giả bởi không ai có thể phủ nhận tầm vóc của F. Scott Fitzgerald, còn Gatsby được mô tả trong tác phẩm có vẻ là một anh chàng tầm thường ở mọi khía cạnh: có giấc mộng làm giàu tầm thường, yêu một cô gái phù phiếm thực dụng tầm thường và luôn ảo vọng chiếm đoạt lại người yêu bằng thủ đoạn cũng hết sức tầm thường.

Nhưng có phải tất cả mọi thứ ở Gatsby đều chỉ tầm thường như vậy? Câu trả lời tất nhiên sẽ nằm ở góc nhìn của mỗi độc giả. Nhưng thiết nghĩ, để có thể tiếp cận được con người thực sự của Gatsby, có lẽ chúng ta cần đặt nhân vật và tác phẩm vào bối cảnh những năm 20 của thế kỷ 20 ở nước Mỹ. Đây là thời kỳ nền kinh tế Mỹ vươn lên vượt bậc do không bị lún sâu vào Thế chiến thứ I, thậm chí trở thành chủ nợ của hai cường quốc hàng đầu thời bấy giờ là Anh và Pháp. Cả châu Âu bị kiệt quệ sau chiến tranh vốn dĩ không thể là đối thủ kinh tế của Mỹ.

Trong quá trình chuyển mình thành siêu cường số 1 thế giới, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ phát triển lên đến đỉnh điểm, kéo theo chủ nghĩa vật chất lên ngôi. Lối sống thực dụng và hưởng thụ dần chiếm ngự trong nhân sinh quan của cả một thế hệ trẻ. Tiền tài trở thành thước đo cho mọi sự thành công. Gatsby là sản phẩm của thời đại như vậy. Anh làm giàu bất chấp thủ đoạn để mong có được những thứ mà xuất thân ở tầng lớp thấp như anh không thể nào đạt được.

Nhưng ẩn sau một Gatsby đầy thủ đoạn bẩn thỉu có ai ngờ là một con người ngây thơ, trọng tình cảm. Bi kịch là con người ấy bị quăng vào thế giới trọng tiền, hạnh phúc đánh đồng với tiền tài, danh vọng. Gatsby là một gã si tình điển hình và cũng là một kẻ ngây thơ điển hình: anh ta ảo vọng có thể lấy lại tình yêu đã bị tiền tài chiếm đoạt bằng cách... có rất nhiều tiền. Như một huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng từng phát biểu: những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.

Gatsby cho đến chết vẫn ôm trong mình cái ảo vọng ở một tình yêu đích thực, vĩnh cửu từ Daisy, một cô gái sở dĩ từng tự cho mình yêu Gatsby chỉ bởi vì tin rằng Gatsby là con nhà gia thế. Gã trai giàu có từ những mánh khóe bất chính ấy vẫn mãi là một con cừu ngờ nghệch, tin rằng những thứ lấp lánh thì chắc hẳn phải là vàng. Nhưng chính bởi cái sự si tình điển hình và ngây thơ điển hình mới biến một anh chàng làm giàu với thủ đoạn bẩn thỉu trở thành một Gatsby vĩ đại.

Đôi khi người ta vĩ đại chỉ bởi vì người ta có những hành động bị coi là “ngu ngốc” trong mắt những kẻ tầm thường. Gatsby vĩ đại không phải bởi anh có những lý tưởng cao cả hay những thành tựu vẻ vang. Anh vĩ đại đơn giản vì vẫn còn niềm tin vào con người ở một thời đại mà như chính tác giả than thở, “mọi thánh thần đã chết cả, mọi cuộc chiến trận đã diễn ra xong, mọi niềm tin ở con người đã tan vỡ”.

Ở góc nhìn khác, Daisy có lẽ chỉ là một biểu tượng đẹp đẽ nhưng xa vời, không có thực và mãi mãi không bao giờ đạt được chỉ bởi tiền tài, như cái đốm ánh sáng màu xanh lục ở cuối bến tàu nhà Daisy luôn ám ảnh Gatsby. Gatsby không hẳn yêu và tin con người Daisy. Có lẽ anh vẫn hiểu Daisy chỉ là một cô gái giả tạo và thực dụng. Anh chỉ cố vẽ ra một hình mẫu tuyệt vời để đời mình còn có mục tiêu thiêng liêng đẹp đẽ để sống vì nó, để vượt lên sự giả dối và tầm thường, để không trượt dài trong một cuộc đời rỗng tuếch, và cuối cùng là chết vì nó.

Chỉ có điều, cái chết ấy trong một xã hội phù phiếm không khiến người ta xem anh là anh hùng, mà ngược lại, chỉ là một sự nhạt nhẽo trong mắt họ. Bởi họ, những người như vợ chồng Daisy, thực sự chỉ là “những kẻ vô tâm… họ phá nát mọi thứ và mọi cuộc đời rồi rút lui vào đống tiền và sự vô tâm bất tận của họ, để những người khác phải dọn dẹp cái đống lộn xộn mà họ đã gây ra”. Dù dưới góc độ nào đi nữa, thì chỉ bởi niềm tin rất ngây ngô của mình, Gatsby đã trở nên vĩ đại, vĩ đại vì còn có thể tin và yêu trong một thế giới thực dụng như vậy. Và có lẽ, chính vì điều này mà Fitzgerald đã chọn cái tên “The Great Gatsby” cho tác phẩm của mình.

Thay lời kết

100 năm sau khi đọc lại Gatsby vĩ đại, có khi nào độc giả chúng ta lại gặp bản thân mình trong thế giới của nước Mỹ những năm 20 của thế kỷ trước? Có khi nào bất giác nhìn lại, thấy mình đang sống một cuộc đời giả tạo và phù phiếm, cả đời chạy theo những thứ lấp lánh nhưng không phải là vàng, đến lúc mệt nhoài mới thảng thốt nhận ra không biết mình muốn gì, cần gì, theo đuổi gì trong cuộc sống ngắn ngủi này. Chúng ta của những khoảnh khắc ấy thật đáng thương biết bao! Có lẽ, trên hành trình lái chiếc xe đời mình, thỉnh thoảng chúng ta nên hãm phanh, giảm tốc độ để định vị lại bản thân, để còn biết giá trị của mình ở đâu trước khi bị cuốn theo luồng xe vội vã của cuộc đời.

(*) Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

(1) Bài thi Văn tốt nghiệp THPT 2020 điểm 10 gây tranh cãi vì liên hệ với “The Great Gatsby”, https://hoahoctro.tienphong.vn/bai-thi-van-tot-nghiep-thpt-2020-diem-10-gay-tranh-cai-vi-lien-he-voi-the-great-gatsby-post1269888.tpo

(2) Khôi Minh, “Gatsby vĩ đại” và câu chuyện về một nhan đề gây tranh cãi, https://vtcnews.vn/gatsby-vi-dai-va-cau-chuyen-ve-mot-nhan-de-gay-tranh-cai-ar606068.html.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới