Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

12 giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)-  Để phục hồi sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng đứt gãy và tê liệt từ nhiều tháng qua trên cả nước vì giãn cách xã hội, ngày 9-9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong nghị quyết này có 12 yêu cầu cụ thể và thiết thực với các bộ ngành, đề nghị gấp rút thực hiện từ tháng 9.

Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ được tự thực hiện xét nghiệm nhanh cho nhân viên, các địa phương và bộ ngành phải thống nhất "luồng xanh" vận tải để giảm thiểu những khó khăn, từ đó hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Ảnh minh họa: Lâm Vũ.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Thủ tướng, trong nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành ngày 9-9, có 12 điểm có giá trị thiết thực để nối lại những đứt gãy của nền kinh tế do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh.

Đầu tiên là việc Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thực hiện tự xét nghiệm Covid và Bộ Y tế hướng dẫn cách thức, doanh nghiệp tự công nhận kết quả xét nghiệm nhanh.

(2) Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể các địa phương các điều kiện đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh .

(3) Giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng công nghệ số để tích hợp các hoạt động: phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh.. nhằm đảm bảo thông tin tập trung, nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp trong tháng 9 để tránnh tình trạng “loạn” các phần mềm khai báo, chống dịch nhưng hiệu quả rất thấp.

(4) Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất các "luồng xanh" vận tải, không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất.

(5) Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực theo quy định của các bộ, cơ quan để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hoá; các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.

(6) Chính phủ giao các địa phương cùng với các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Địa phương phải chủ động và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại an toàn, hạn chế đóng cửa toàn nhà máy.

(7) Cũng trong tháng 9 này, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội ban hành chính sách giảm mức đóng bảo hiểm xã hội hoặc hỗ trợ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm hỗ trợ cho người lao động. Đồng thời, bộ chỉ đạo  Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và 2021.

(8) Bộ Tài chính triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.

(9) Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh.

(10) Chính phủ đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022 và báo cáo Uỷ ban Thường vu Quốc hội cho phép doanh nghiệp  bị ảnh hưởng bởi dịch giảm mức đóng kinh phí công đoàn trong năm 2021, 2022.

(11) Giao các địa phương xem xét giảm mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển loại I và IA trên địa bàn cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu theo tình hình thực tế của dịch Covid-19 và lùi thời gian bắt đầu thu phí tại khu vực cửa khẩu và cảng biển nêu trên đối với địa phương chưa thực hiện thu phí để hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp.

(12) Bộ Ngoại giao đẩy nhanh việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vaccine” với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác nhằm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9-2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới