(KTSG Online) - Trung Quốc có thể chứng kiến 13.500 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (được định nghĩa là những người có của cải để đầu tư hơn 1 triệu đô la) ra nước ngoài định cư trong năm nay, theo dự báo của hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners.
- Singapore thành thỏi nam châm hút giới đầu tư Trung Quốc
- Giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô mua căn hộ cao cấp ở Singapore
Báo cáo của Henley & Partners dự báo có 122.000 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao trên toàn cầu di cư ra nước ngoài trong năm nay. Đứng sau Trung Quốc là Ấn Độ, nước dự kiến có 6.500 triệu phú sẽ di cư ra nước ngoài trong năm 2023, và đứng thứ 3 là Anh với khoảng 3.200 triệu phú sẽ di cư.
Theo báo cáo, con số 13.500 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao di cư trong năm nay sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng “mất mát” triệu phú của Trung Quốc trong thập niên qua. Năm ngoái, có khoảng 10.800 triệu phú rời khỏi Trung Quốc.
Dù Trung Quốc được ước tính có 823.800 triệu phú, xu hướng di cư của giới người giàu có thể gây áp lực thêm cho tình trạng kinh tế tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc.
“Tăng trưởng tài sản nói chung ở Trung Quốc đã chậm lại trong vài năm qua. Điều đó có nghĩa là dòng tiền chảy ra nước ngoài gần đây có thể gây thiệt hại nhiều hơn bình thường. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2000 đến 2017, nhưng mức tăng trưởng của cải và triệu phú ở nước này không đáng kể trong thời kỳ này”, Andrew Amoils, trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng nghiên cứu thịnh vượng toàn cầu New World Wealth (Nam Phi), nói.
Henley & Partners cho biết các yêu cầu tư vấn di cư từ các khách hàng Đông Á tăng vọt sau khi các hạn chế biên giới để kiểm soát đại dịch Covid-19 được bãi bỏ vào đầu năm nay, vượt 15% so với mức cao nhất được thiết lập năm 2019.
Denise Ng, giám đốc của văn phòng chi nhánh của Henley & Partners ở Hồng Kông, nói: “Có những khách nàng muốn cải thiện khả năng di chuyển bằng cách chuyển đến định cư ở những nước được miễn thị thực ở các khu vực quan trọng, hoặc muốn tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc tận hưởng sự ổn định chính trị cao hơn”.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã phát động chiến dịch chấn chỉnh mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp tư nhân đồng thời thắt chặt quản lý đối với ngành công nghệ và tài chính. Bao Fan, người sáng lập ngân hàng đầu tư China Renaissance Holdings, đã biến mất một cách bí ẩn vào tháng 2 trước khi công ty của ông thông báo rằng ông đang hợp tác với giới chức trách trong một cuộc điều tra.
Henley & Partners dự đoán Hồng Kông sẽ chứng kiến 1.000 triệu phú di cư trong năm nay. Điều này có thể cản trở nỗ lực của chính quyền Hồng Kông nhằm thu hút những người giàu có và biến thành phố này thành trung tâm quản lý tài sản và văn phòng đầu tư gia đình ở châu Á.
Chính sách “zero Covid” và cuộc vận động “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm phân phối của cải công bằng hơn trong xã hội khiến nhiều doanh nhân trong nước cảm thấy lo lắng. Vì vậy, họ đổ xô đến những nơi có chính sách thân thiện hơn như Singapore hoặc thiết lập một kế hoạch di cư những năm gần đây.
Singapore đã nổi lên như một điểm nóng thu hút dòng tiền đầu tư của Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp phòng chống Covid-19 khắt khe, khiến đất nước cô lập với thế giới bên ngoài trong gần 3 năm. Dòng vốn nước ngoài chảy mạnh vào Singapore khiến giá nhà và các chi phí sinh hoạt khác tăng vọt.
Henley & Partners dự báo Singapore sẽ đón nhận 3.200 triệu phú nước ngoài đến định cư trong năm nay, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong khi đó, Úc được dự báo vượt qua Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để trở thành nước thu hút số lượng triệu phú nước ngoài lớn nhất trong năm 2023, với khoảng 5.200 người.
Sức hấp dẫn của Mỹ với tư cách là điểm đến của các triệu phú di cư đang giảm một phần do khả năng người giàu bị đánh thuế cao hơn và tác động từ đại dịch Covid-19. Mỹ dự kiến đón nhận 2.100 triệu phú nước ngoài trong năm 2023, sụt giảm đáng kể so với con số 10.800 triệu phú vào năm 2019.
Theo Nikkei Asia, Bloomberg