(KTSG Online) - Tuổi thọ tăng, mức sinh xuống thấp khiến Việt Nam được dự báo là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đến năm 2038, tức khoảng 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già.
- Dân số châu Âu giảm nhanh, phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế dài hạn
- Đứng trước viễn cảnh dân số già
Đây là thông tin được Bộ Y tế đưa ra tại buổi Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Y tế và Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028, diễn ra tuần qua tại Hà Nội, theo TTXVN.
Theo Bộ Y tế, già hóa dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam.
Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2022, tỷ lệ người cao tuổi nước ta chiếm khoảng 12% dân số. Năm 2019, chỉ số già hóa của Việt Nam là 48,8%, ước tính đến năm 2069, chỉ số già hóa sẽ tăng gấp 3 lần. Nghĩa là, nếu năm 2019 cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi; đến 50 năm sau, cứ 2 trẻ em, sẽ có 3 người cao tuổi.
Vì thế, chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028 nhằm tăng cường phối hợp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình này hướng đến đảm bảo người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng; phát huy vai trò, chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.