(KTSG Online) - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất trong năm 2021 có tổng dư nợ trái phiếu phát hành trong năm hơn 100.000 tỉ đồng.
- Hoàn thiện hạ tầng pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
- Hủy giao dịch mua dự án từ tiền bán trái phiếu sai quy định của Tân Hoàng Minh
Báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết tổng khối lượng TPDN phát hành năm 2021 đạt 639.766 tỉ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. Trong đó, khối lượng TPDN riêng lẻ phát hành đạt 605.520 tỉ đồng, tăng 38,8%.
Quy mô thị trường TPDN bằng 18,2% GDP tính tới cuối năm 2021, tăng 42,4% so với cuối năm 2020. Trong đó, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ bằng 16,84% GDP, tăng 40,5%.
Về lãi suất, lãi suất phát hành TPDN riêng lẻ bình quật ở mức 7,94% một năm trong năm 2021, thấp hơn 1,4% so với năm 2020 và 1-2% so với lãi suất trung – dài hạn phổ biến của các tổ chức tín dụng hiện nay. Về cơ cấu lãi suất, có 39,3% trái phiếu phát hành với lãi suất dưới 8% một năm, 10,4% phát hành với lãi suất 8-9%, 43,5% phát hành với lãi suất 9-11%, 6,7% phát hành với lãi suất trên 11%.
Đáng lưu ý, có 5 doanh nghiệp phát hành TPDN với lãi suất cao nhất là 13% một năm, gồm Công ty cổ phần bất động sản Phát Đạt với giá trị phát hành 1.380 tỉ đồng, Công ty cổ phần Tiki với 1.000 tỉ đồng, Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương với 4.670 tỉ đồng, Công ty cổ phần Hoa Phú Thịnh với 3.130 tỉ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn APEC Group với 43,603 tỉ đồng.
Phân loại theo lĩnh vực, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, và thương mại, dịch vụ có mức lãi suất phát hành cao nhất thị trường với 10,53%, 10,51% và 10,19%. Với các tổ chức tín dụng, lãi suất phát hành bình quân là 4,33%, thấp hơn mức bình quân chung toàn thị trường.
Về kỳ hạn, kỳ hạn phát hành bình quân năm 2021 là 3,76 năm, giảm 0,45 năm so với năm 2020. Về cơ cấu kỳ hạn, 61,3% trái phiếu phát hành có kỳ hạn 3-5 năm, 14,6% có kỳ hạn trên 5 năm, 2% có kỳ hạn trên 10 năm.
Phân loại theo lĩnh vực, doanh nghiệp xây dựng có kỳ hạn phát hành bình quân 5,71 năm, doanh nghiệp sản xuất là 4,63 năm, tổ chức tín dụng là 3,96 năm, doanh nghệp bất động sản là 3,44 năm.
Về doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tín dụng chiếm 36,18% khối lượng phát hành, doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,16%. Còn các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, xây dựng chiếm lần lượt 5,5%, 4,59%, 3,19%.
Về mục tích phát hành, 44,49% lượng trái phiếu phát hành để tăng vốn hoạt động, 19,1% để thực hiện dự án, 4,52% để cơ cấu nguồn lại vốn hoạt động, 29,29% để sử dụng kết hợp cả ba mục đích trên.
Như vậy, doanh nghiệp bất động sản là nhóm có lãi suất phát hành bình quân cao nhất thị trường và kỳ hạn phát hành thấp nhất thị trường.
Với nhóm doanh nghiệp này, Bộ Tài chính cho biết 143 doanh nghiệp đã thực hiện 280 đợt phát hành với giá trị phát hành là 200.739,9 tỉ đồng trong năm 2021.
Trong số 20 doanh nghiệp có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường năm 2021, một số doanh nghiệp được ghi nhận tỷ lệ giữa khối lượng phát hành/vốn chủ sở hữu trên 500%.
Về tài sản đảm bảo, Bộ Tài chính cho biết 88,2% lượng trái phiếu phát hành của doanh nghiệp bất động sản, xây dựng có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán, 11,8% không có tài sản đảm bảo.
Tài sản đảm bảo của doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là chương trình, dự án với tỷ trọng bằng 57,84% tổng khối lượng phát hành. Tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu, chiếm 23,95%, tài sản đảm bảo bằng cả bất động sản và cổ phiếu chiếm 1,37%. Còn tài sản đảm bảo là tài sản khác chiếm 8,67%.
Theo Bộ Tài chính, tài sản đảm bảo của nhóm doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của chính doanh nghiệp. Điều này tiềm ẩn rủi ro tài sản đảm bảo có thể không đủ để trả nợ gốc và lãi trái phiếu nếu thị trường bất động sản khó khăn.