Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

2017 – năm thoái vốn thành công của SCIC

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

2017 – năm thoái vốn thành công của SCIC

HẢI LÝ

(TBKTSG) – Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố lịch trình thoái vốn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC – Hose); Tổng công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (VCG – Hnx); Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP – Hose); Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong (NTP – Hnx); Công ty cổ phần FPT (FPT – Hose). Trong số này có ba doanh nghiệp nằm trong danh sách được Chính phủ cho phép thoái hết vốn nhà nước từ năm 2015, nhưng đến nay mới được chuẩn bị thực hiện là BMP, NTP, FPT.

2017 - năm thoái vốn thành công của SCIC
Nhà nước vừa thu về gần 9.000 tỉ đồng khi nhà đầu tư Singapore mua nguyên lô 48.333.400 cổ phiếu Vinamilk với giá 186.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh: Minh Tâm.

Hiện sở hữu của Nhà nước tại VCG vẫn còn 51%, nhưng lần này SCIC chỉ mang ra bán đấu giá 21,8% cổ phần. Cũng là hợp lý vì VCG không phải là doanh nghiệp nổi bật về hiệu quả kinh doanh, có thời gian cổ phiếu đã từng dưới mệnh giá, nếu SCIC bán một cục lớn, chắc gì đã bán được với giá mong muốn. Chia nhỏ ra biết đâu những lần sau thị trường tốt hơn hiện tại, có khi lại bán được giá hơn.

So với các đơn vị cùng ngành, chỉ số P/E của VCG tính theo giá cổ phiếu đóng cửa ngày 14-11-2017 khoảng 17 lần, không phải hấp dẫn. Còn so sánh với P/E của năm doanh nghiệp mà SCIC thoái vốn lần này, P/E của VCG chỉ đứng sau DMC. Tuy nhiên DMC có câu chuyện riêng liên quan đến M&A của đối tác nước ngoài.

Theo dữ liệu của Hose, nhà đầu tư ngoại đang sở hữu 63,12% cổ phần của Domesco, trong đó CFR International SPA từ cuối năm ngoái đã nâng sở hữu lên 51,7%. Khối ngoại và Nhà nước đang kiểm soát 97,83% cổ phần của DMC và số cổ phiếu “lưu lạc” bên ngoài chỉ còn chừng 750.000 đơn vị. Chẳng có gì ngạc nhiên nếu sắp tới nước ngoài mua trọn lô cổ phần DMC của SCIC bán ra và biến công ty thành xấp xỉ 100% vốn ngoại. Nếu thế đây sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên hiện diện ở sàn chứng khoán. Khi ấy người chủ mới của DMC có giữ quyết định tiếp tục niêm yết hay hủy niêm yết là quyền của họ. Chỉ biết đây có thể là trường hợp đầu tiên nước ngoài thôn tính thành công doanh nghiệp nội. Việc thâu tóm hoàn toàn bình thường. Không ít doanh nghiệp trên sàn đang mong được thâu tóm (tất nhiên thâu tóm với giá cả chấp nhận được, thuận mua vừa bán) mà nước ngoài có để mắt đến đâu.

Trong đợt này SCIC mang ra bán vốn nhà nước của cả hai công ty nhựa khá tiếng tăm trong ngành. BMP và NTP trong nhiều năm trở lại đây làm ăn hiệu quả, EPS bây giờ tầm 5.200-5.300 đồng trên mỗi cổ phiếu và thị giá của cả hai đang ở vùng cao nhất hoặc gần cao nhất kể từ khi niêm yết. Theo tính toán của SCIC, BMP và NTP trả cổ tức tiền mặt hàng năm thuộc loại cao, nhưng triển vọng ngành nhựa xây dựng và dân dụng nhiều khả năng sẽ không còn “phơi phới” như năm ngoái, năm kia do giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế phục hồi. Giá nguyên liệu nhựa đầu vào càng cao, biên lợi nhuận của doanh nghiệp nhựa nội địa càng thấp.

FPT là nơi tỷ lệ sở hữu của SCIC thấp nhất trong số các doanh nghiệp thoái vốn nêu trên, chỉ có 6%. Vai trò của Nhà nước ở FPT hoàn toàn mờ nhạt, cho nên bán vốn để đầu tư vào nơi khác hay nộp cho ngân sách xem ra hợp lý hơn. Với lại thị giá FPT đang tốt, xét về thời điểm là thuận lợi.

Căn cứ vào thị giá các cổ phiếu ngày 14-11-2017, việc thoái vốn tại năm doanh nghiệp sẽ mang về cho SCIC tổng cộng 10.266 tỉ đồng. Vừa thu về gần 9.000 tỉ đồng từ đấu giá 3,33% cổ phần Vinamilk, nay lại sắp có trên 10.000 tỉ đồng tiền mặt, SCIC sẽ có một năm bán vốn thắng lợi.

Rõ ràng khi SCIC chọn đúng thời điểm để bán hàng, tiền “chạy” về ngân khố quốc gia tính bằng tỉ đô la Mỹ. Hồi giữa năm nay, danh mục đầu tư của SCIC có 130 doanh nghiệp, kể cả Vinamilk, với giá thị trường khi đó ước 5 tỉ đô la Mỹ. Nay thị trường chứng khoán khởi sắc, bán đi một số doanh nghiệp rồi, giá trị danh mục đầu tư của SCIC chắc không thấp hơn 5 tỉ đô la Mỹ bao nhiêu.

Vinamilk vẫn là khoản đầu tư có giá trị to nhất của SCIC. Vấn đề bây giờ là SCIC có bán tiếp Vinamilk hay không? Với 36% sở hữu còn lại, theo Luật Doanh nghiệp, SCIC có quyền biểu quyết ở Vinamilk. Nước ngoài đang nắm giữ 56,5% cổ phần công ty sữa đầu ngành này. Giả sử họ mua hết cổ phiếu trôi nổi bên ngoài, cũng chỉ được tối đa 64% cổ phần VNM. Trước khi bán đấu giá cổ phiếu VNM vừa qua ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, trả lời giới đầu tư rằng “khi nào Thủ tướng và Chính phủ quyết định bán thì lúc đó mới giảm tỷ lệ xuống dưới 36% hay không”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới