(KTSG Online) - Giới chuyên gia dự báo rằng giai đoạn 2021-2023 là giai đoạn quyết định cho sự phục hồi của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Các doanh nghiệp này có thể đổi mới năng lực cạnh tranh, vươn tới một vị thế bền vững hoặc bị loại dần khỏi cuộc chơi.
- Ngành dệt may Việt Nam đối mặt áp lực chi phí gia tăng
- Vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào ngành dệt may Việt Nam
Theo dự báo của tổ chức McKinsey (công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh), 2021-2023 là giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, với nhiều sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng và phương thức vận hành.
Theo đó, năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có thể kéo dài đến 1-2 năm tới, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vẫn hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam. Thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ, EU vẫn mở rộng. Xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may khiến Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu, hãng bán lẻ.
Bên cạnh đó, việc triển khai vaccine ngày càng cao tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU cũng khiến chỉ số tiêu dùng tăng.
Thực tế, do chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh nên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may có sự phân hóa mạnh. Trong khi một số doanh nghiệp vẫn báo lãi tăng thì ở chiều ngược lại có công ty lần đầu tiên thua lỗ sau nhiều năm hoạt động kinh doanh.
Ví dụ, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2021 với doanh thu thuần đạt xấp xỉ 1.710 tỉ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận ròng đạt hơn 85 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã phải báo lỗ sau nhiều năm có lãi. Công ty cho biết do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong quí 3, doanh nghiệp phải thực hiện giãn cách từ giữa tháng 7 nên năng suất lao động không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao. Do vậy, doanh nghiệp đã lỗ ròng gần 3 tỉ đồng trong quí 3, trong khi cùng kỳ lãi hơn 85 tỉ đồng. Đây cũng là lần báo lỗ đầu tiên của doanh nghiệp này trong vòng 9 năm qua.
Dù vậy, TCM vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực trong tương lai. Hiện công ty đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022 mang lại doanh thu và lợi nhuận cho trong thời gian tới. Công ty cũng cho biết đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quí 1-2022.
Nhờ những kỳ vọng tăng trưởng này của ngành dệt may, trên thị trường chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu dệt may cũng đi lên mạnh mẽ. Tính từ đầu năm tới nay, TCM tăng hơn 43,4%, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) tăng hơn 57,1%, TNG tăng gần 106%, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) tăng gần 110%, Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) tăng hơn 119%...
(Tổng hợp)