Thứ Sáu, 27/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

250 ngàn, 25 tỉ, 2.500 tỉ đồng và tiếng thở dài cố nén của phụ huynh

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đang có một luồng thông tin ngụy biện cho rằng khoản tiền 25 tỉ đồng mà cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục nhận hối lộ “chỉ chiếm 1% giá trị hợp đồng”. Thế nhưng, đằng sau con số 1% này là việc sách giáo khoa đội giá thêm hàng trăm tỉ đồng, tạo thành gánh nặng oằn lưng suốt nhiều năm qua cho hàng triệu phụ huynh.

Theo công bố của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an hôm 23-9-2024, ông Nguyễn Đức Thái, cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục, bị truy tố về tội nhận hối lộ. Bản kết luận điều tra xác định ông Thái đã nhận tổng cộng gần 25 tỉ đồng từ hai công ty cung cấp giấy in sách giáo khoa trong thời gian từ 2017 đến 2022. Ông Thái đã bị bắt giam hồi đầu năm 2023, sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc và chuyển hồ sơ sai phạm cho Bộ Công an.

Đọc những dòng tin trên, tôi nhớ lại một câu chuyện có liên quan. Dù đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không quên vẻ mặt của người cha có con học chung lớp với con trai tôi. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm lớp 7, sau khi nghe liệt kê các khoản tiền phải đóng, anh thọc tay vào khắp các túi áo, túi quần rồi buồn buồn nhìn xuống và có lẽ cố nén tiếng thở dài. Tôi khẽ nhích qua ngồi sát anh hỏi nhỏ “anh thiếu bao nhiêu?” và câu trả lời như tiếng thì thào  “250 ngàn”. Tôi sững người, khẽ cầm tiền lòn qua hộc bàn nhét vào tay anh, nói nhỏ “anh cầm đóng cho đủ, lần họp sau đưa lại cũng được”.

Hai-trăm-năm-mươi-ngàn-đồng. Vâng, đây là số tiền mà nhiều người thấy nhỏ, đặc biệt là đối với những kẻ đang lu loa trên mạng xã hội “25 tỉ chỉ bằng 1% giá trị hợp đồng mua giấy”.  Thế nhưng, với người cha bạn học của con tôi, số tiền đó có thể phải mất một ngày làm việc cật lực mới có được. Chỉ cần mỗi cuốn sách giáo khoa tăng giá lên vài ngàn đồng, gánh nặng đã đè oằn lưng hàng triệu phụ huynh khó khăn như vậy trên đất nước Việt Nam.

Về bản chất, con số thiệt hại từ hành vi nhận hối lộ của cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục không gói gọn trong 25 tỉ đồng mà đây chỉ là phần nổi của tảng băng thiệt hại. Cuối năm 2022,  Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm về biên soạn, tăng giá sách giáo khoa và chuyển Bộ Công an điều tra dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Nhà xuất bản Giáo Dục trong in ấn, phát hành sách bài tập(*).

Số liệu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, chỉ riêng một công ty cung cấp giấy cho Nhà xuất bản Giáo Dục với tổng giá trị 1.900 tỉ đồng thì phần kê thêm đã là 210 tỉ đồng. Chỉ một con số này đã cho thấy, tất cả phần kê thêm đó đều được cộng dồn vào giá sách giáo khoa khiến gánh nặng càng thêm nặng đối với phụ huynh.

Đây cũng là lý do khiến giá sách giáo khoa cứ tăng đều trong nhiều năm. Cũng theo Thanh tra Chính phủ, giá sách giáo khoa đã tăng gần 17% từ năm học 2019-2020. Ngoài ra, do các vi phạm về đăng ký giá, phân bổ chi phí trong giai đoạn 2014-2018, giá sách giáo khoa được tính cao hơn khoảng 150 tỉ đồng, tạo thành gánh nặng cho gia đình học sinh.

Chưa dừng ở đó, kết luận thanh tra nêu rõ việc Nhà xuất bản Giáo Dục biên soạn sách giáo khoa đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nên học sinh có thể viết vào, gây lãng phí hơn 2.000 tỉ đồng. Sai phạm nghiêm trọng đối với sách bài tập này được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là do Bộ Giáo dục và Đào tạo không kịp thời ban hành văn bản liên quan, dẫn đến gây hiểu nhầm cho phụ huynh, học sinh và xã hội về việc tài liệu này là phải mua kèm.

Không cần có kiến thức kinh tế cũng có thể thấy, việc hối lộ từ các công ty bán giấy cũng chính là “động lực” để Nhà xuất bản Giáo Dục gia tăng sản lượng in sách. In sách giáo khoa chưa đủ, họ nghĩ ra cách in sách bài tập không thể tái sử dụng. Điều này khiến gánh nặng sách giáo khoa còn bị chồng thêm một gánh nặng nữa từ sách bài tập.

Hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng sai phạm đều chỉ có một con đường để đi, đó là hạch toán vào giá thành sách giáo khoa. Thật xót xa khi so sánh những con số 250 ngàn đồng mà vị phụ huynh không có đủ với khoản nhận hối lộ 25 tỉ đồng và con số tổng thiệt hại cho xã hội khoảng 2.500 tỉ đồng liên quan đến sách giáo khoa, sách bài tập gây ra.

Pháp luật nghiêm minh không chỉ là trừng phạt đích đáng hành vi sai trái mà quan trọng hơn, cốt lõi hơn là bít kín những lỗ hổng để không còn xảy ra những vụ thiệt hại ngàn tỉ cho xã hội, để mang lại nụ cười cho phụ huynh nghèo thay cho tiếng thở dài trong những cuộc họp đầu năm!

——————————-

(*) https://tuoitre.vn/nha-xuat-ban-giao-duc-lam-dung-doc-quyen-sach-giao-khoa-gia-sach-cao-bat-hop-ly-20221230025333312.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới