(KTSG Online) - 28 nước bao gồm Mỹ, Anh và Trung Quốc đồng ý hợp tác để đảm bảo trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng theo cách “lấy con người làm trung tâm, đáng tin cậy và có trách nhiệm”. Cam kết này là một phần của tuyên bố Bletchley, được các nước lớn ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh An toàn AI ở Bletchley Park, Buckinghamshire, Anh, khai mạc hôm 1-11.
- Chính phủ Anh cảnh báo 5 kịch bản tồi tệ của AI
- Elon Musk: AI là một trong rủi ro lớn nhất đối với tương lai của nền văn minh
Tuyên bố Bletchley thừa nhận “khả năng gây tổn hại nghiêm trọng, thậm chí thảm khốc” do các mô hình AI tiên tiến gây ra, và cho rằng những rủi ro đó “cần được giải quyết tốt nhất thông qua hợp tác quốc tế”. Tuyên bố cho biết các nước ký kết sẽ nỗ lực hướng tới “thỏa thuận và trách nhiệm chung” về rủi ro của AI.
Tuy nhiên, tuyên bố chưa đưa ra các chi tiết và không đề xuất cách quản lý sự phát triển của AI. Các bên ký kết tuyên bố Bletchley gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ùc, Isarel, Brazil, Ấn Độ và Saudi Arabi, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)....
Họ nhất trí tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về AI ở Hàn Quốc trong sáu tháng tới và, sau đó là một hội nghị trực tiếp về AI trong vòng một năm tới ở Pháp.
Hội nghị thượng đỉnh an toàn AI, kéo dài 2 ngày, tập trung vào “AI biên giới” (frontier AI), được định nghĩa là “các mô hình nền tảng có năng lực cao, có thể sở hữu các khả năng nguy hiểm đủ để gây ra rủi ro nghiêm trọng cho an toàn công cộng".
Tuyên bố Bletchley có thể được xem là tuyên bố toàn cầu đầu tiên về sự cần thiết phải quản lý sự phát triển của AI. Tuyên bố này là dấu ấn của sự đoàn kết quốc tế, sẵn sàng định hình đáng kể các tiêu chuẩn và thực hành toàn cầu về an toàn AI. Ý nghĩa rộng hơn của tuyên bố là mở ra một lộ trình có tầm nhìn xa, báo trước một cách tiếp cận tiêu chuẩn hóa hơn về an toàn AI trên khắp các quốc gia.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, tuyên bố Bletchley là một thành quả mang tính bước ngoặt, cho thấy các cường quốc AI lớn nhất thế giới đồng tình “về tính cấp thiết đằng sau việc phải hiểu rõ những rủi ro của AI, giúp đảm bảo tương lai lâu dài cho con cháu chúng ta”.
Ông nói rằng, công nghệ AI mang lại những cơ hội mới nhưng cảnh báo về mối đe dọa của AI đối với nhân loại vì nó có thể được sử dụng để tạo ra vũ khí sinh học hoặc bị bọn khủng bố khai thác để gieo rắc nỗi sợ hãi.
Phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh trên, Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, thông báo Mỹ sẽ thành Viện An toàn AI nhằm đánh giá các rủi ro của AI. Hôm 30-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ký một sắc lệnh yêu cầu thiết lập các tiêu chuẩn an toàn đối với AI.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Wu Zhaohui, Wu, nói rằng tất cả các bên “cần tôn trọng luật pháp quốc tế” và cùng nhau hợp tác trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng AI một cách độc hại.
Michelle Donelan, Bộ trưởng Khoa học, đổi mới và công nghệ Anh, nhận định, hội nghị thượng đỉnh an toàn AI đánh dấu thời khắc lịch sử không chỉ đối với Anh mà cả thế giới, đồng thời nói thêm rằng sự hiện diện của Trung Quốc là “điều rất quan trọng”.
Các CEO công nghệ như Sam Altman của OpenAI, Elon Musk của Tesla và Demis Hassabis của DeepMind (công ty AI của Google) cũng tham dự hội nghị.
Trong ngày đấu tiên của hội nghị, một loạt cuộc thảo luận bàn tròn đề cập đến các rủi ro do lạm dụng AI đối với an toàn toàn cầu, mất quyền kiểm soát AI cũng như những gì các nhà hoạch định chính sách quốc gia và cộng đồng quốc tế có thể làm để kiểm soát rủi ro cũng như nắm bắt cơ hội của AI.
Tỉ phú Elon Musk đã tham dự một phiên thảo luận về những rủi ro do mất quyền kiểm soát AI, có khả năng đề cập đến cái gọi là trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI), thông minh sánh nganh hoặc vượt con người. Phát biểu với báo chí bên lề hội nghị, ông cảnh báo: “Lần đầu đầu tiên, chúng ta gặp phải tình huống có thứ gì đó sắp xuất hiện, thông minh hơn những con người thông minh nhất. Đôi với tôi, chúng ta thực sự không thể kiểm soát được thứ như vậy”.
Hồi tháng 3, Musk cùng hàng trăm tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ, ký bức thư ngỏ, kêu gọi các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới tạm dừng hoạt động đào tạo các hệ thống siêu mạnh mới trong vòng sáu tháng. Họ cảnh báo những tiến bộ gần đây trong trong lĩnh vực AI, nổi bật nhất là chatbot GPT của OpenAi, đang áp đặt “những rủi ro sâu sắc” đối với xã hội và nhân loại.
Theo Financial Times, Reuters, Unite.ai