Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

30.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngay sau khi được Quốc hội tán thành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc chi 30.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó Thủ tướng cũng yêu cầu lập tổ công tác đặc biệt tại các Bộ, cơ quan, địa phương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nghị quyết mới của Chính phủ được kỳ vọng góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Ảnh minh họa: TTXVN

Người lao động được hỗ trợ từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng/người

Ngày 24-9-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Nghị quyết nêu rõ trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Do đó Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Mục đích nhằm thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động.

Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.

Việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và công bằng đối với người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30-9-2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 30-9-2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể như sau: thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng, hỗ trợ 1.800.000 đồng/người; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng, hỗ trợ 2.100.000 đồng/người; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng, hỗ trợ 2.400.000 đồng/người; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng, hỗ trợ 2.650.000 đồng/người; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng, hỗ trợ 2.900.000 đồng/người; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên, hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.

Nguồn kinh phí để hỗ trợ sẽ khoảng 30.000 tỉ đồng được Chính phủ lấy từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020.

Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1-10-2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31-12-2021.

Ngoài các mức hỗ trợ nêu trên, nghị quyết của Chính phủ còn quy định giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1-10-2021.

Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng 12 tháng, kể từ ngày 1-10-2021 đến hết ngày 30-9-2022.

Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương triển khai Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh dự toán thu, chi và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết. Tổ chức thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị quyết này và kịp thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các khó khăn, vướng mắc để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Chính phủ yêu cầu Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6858/VPCP-KTTH ngày 24-9-2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các Bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Văn bản nêu rõ ngày 30-8-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Để thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt của Bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 do thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch  các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đứng đầu.

Tổ công tác tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân. Chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Lưu ý rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu định kỳ hằng tháng hoặc khi cần thiết, các tổ công tác trên kịp thời tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, đề xuất phương án giải quyết vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới