Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

36% người dùng chốt đơn hàng qua ứng dụng nhắn tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

36% người dùng chốt đơn hàng qua ứng dụng nhắn tin

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Theo khảo sát từ Công ty tư vấn Boston Consulting Group, có tới 36% người dùng “chốt” đơn hàng thông qua đối thoại trực tuyến (trò chuyện trên ứng dụng).

36% người dùng chốt đơn hàng qua ứng dụng nhắn tin
Ông Nguyễn Tường Huy, Giám đốc quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam của Facebook (bên trái) nói về bán hàng qua kênh đối thoại trên mạng. Ảnh: Chí Thịnh

Sáng 27-11, đại diện Facebook có buổi trao đổi về xu hướng bán hàng thông qua ứng dụng nhắn tin (ví dụ như Facebook Messenger), tiềm năng của mô hình bán hàng này… Đồng thời, Facebook cũng chia sẻ kết quả khảo sát của Boston Consulting Group về hoạt động bán hàng trên nền tảng ứng dụng nhắn tin.

Kết quả nghiên cứu mới của Facebook và Tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group – BCG) cho thấy, trong số 9 quốc gia được nghiên cứu, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia đi đầu về nhận thức và ứng dụng mua bán hàng qua đối thoại.

Ông Nguyễn Tường Huy, Giám đốc quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam của Facebook, cho rằng không có độ tuổi cụ thể nào cho nhóm khách hàng mua sắm qua ứng dụng nhắn tin. Việc đối thoại giữa người mua và bán đã trở thành một thói quen khi mua sắm, kể cả khi mua sắm theo kiểu truyền thống ở chợ thì người mua và người bán cũng thường trao đổi với nhau về giá cả, loại sản phẩm cần mua.

Theo khảo sát của Facebook và BCG, 36% số người được hỏi cho biết đã từng mua hàng thông qua đối thoại trực tuyến (trên ứng dụng nhắn tin) trong khi tỷ lệ “chốt” đơn hàng thông qua đối thoại trực tuyến trung bình trên toàn cầu chỉ ở mức 16%.

Nghiên cứu này cũng cho thấy người Việt Nam đứng thứ ba về mức độ nhận thức mua hàng qua đối thoại, với tỷ lệ 69% số người được hỏi nói rằng họ biết họ có thể đặt hoặc mua hàng thông qua đối thoại trực tuyến; 53% cho biết họ đã trò chuyện trực tuyến với thương hiệu hoặc người bán khi mua sắm.

Xu hướng mua sắm này còn được người dùng đánh giá sẽ còn phát triển mạnh khi 95% người Việt Nam được khảo sát cho rằng họ có kế hoạch duy trì hoặc tăng chi tiêu cho thương mại đối thoại trong tương lai.

Ông Huy cũng cho biết thêm, người tiêu dùng ưa thích giao dịch với những thương hiệu, doanh nghiệp, cửa hàng nào mang lại lợi ích và giá trị hơn cho họ, cũng như giao dịch đó phải thật sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian.

Ở Việt Nam, người tiêu dùng đón nhận xu hướng mua hàng qua đối thoại vì nó kết hợp được cả hai phương thức trực tuyến và trực tiếp. Với thương mại đối thoại (Conversational commerce), người mua hàng có thể thực hiện các giao dịch giống như khi đi mua sắm ở một cửa hàng thực tế – vốn tạo được độ tin cậy hơn, đồng thời vẫn trải nghiệm được sự tiện lợi, đa dạng chủng loại hàng hoá từ các chuỗi bán lẻ thương mại điện tử.

Theo nhận định từ các chuyên gia công nghệ, thương mại đối thoại và kinh doanh kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống (Online-to-Offline commerce) đang trở thành xu thế tương lai, phù hợp với cộng đồng người tiêu dùng kết nối (những người thường xuyên lên mạng trò chuyện và mua sắm).

Khảo sát “Bán hàng qua đối thoại – thế hệ mới của thương mại điện tử” do BCG và Facebook thực hiện khảo sát trên 8.864 người tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nhóm khảo sát thực hiện các cuộc phỏng vấn với người mua, người bán và các chuyên gia tại các quốc gia này. Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 8-2019 và đã có 1.310 người Việt Nam tham gia trả lời.

 

Mời đọc thêm:

Cửa hàng dùng công nghệ để chống đỡ "cơn bão" trực tuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới