(KTSG Online) – Tính đến sáng hôm nay, 10-12, đã có 4.000 xe chở hàng hoá, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị tồn đọng tại ba cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn, gồm Hữu Nghị, Chi Ma và Tân Thanh.
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn vào hôm nay, 10-12, đã có văn bản gửi nhiều địa phương trong cả nước về việc tiếp tục thông tin về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tại văn bản này, ông Đại cho biết, tổng lượng xe bị tồn đọng tại ba cửa khẩu gồm Hữu Nghị, Chi Ma và Tân Thanh đến sáng ngày 10-12 là 4.000 xe, lượng tồn đã tăng 845 xe so với con số ghi nhận vào ngày 1-12 (3.155 xe).
Theo đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị, lượng xe tồn ở khu vực này là 1.051 xe, trong đó, có 106 xe hàng chờ xuất khẩu và 945 xe tại bãi xe trung chuyển với các mặt hàng chủ yếu gồm mít, thanh long…
Tại cửa khẩu Chi Ma tồn 721 xe với các mặt hàng như tinh bột sắn (khoai mì) chiếm 70%, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân, cây cút mây, cau khô...
Còn ở cửa khẩu Tân Thanh cũng đang tồn 2.228 xe, trong đó, tại bãi xe Bảo Nguyên có 938 xe và tại khu phi thuế quan là 1.290 xe với các mặt hàng chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài…
Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, dù địa phương đã thông báo, khuyến cáo các tỉnh, thành nội địa có hàng hoá xuất khẩu về tình hình nông sản tồn đọng rất lớn, nhưng lượng hàng vẫn dồn lên nhiều, vượt khả năng thông quan ở các cửa khẩu này. Cửa khẩu Hữu Nghị có năng lực thông quan khoảng 150-200 xe/ngày, Chi Ma là 35-40 xe/ngày và Tân Thanh là 180-200 xe/ngày.
Trước dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nông sản của các tỉnh, thành trên cả nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng, cho nên, địa phương này khuyến cáo các doanh nghiệp, đơn vị liên quan cần chủ động theo dõi thông tin từ xa, điều tiết từ sớm lượng hàng xuất khẩu một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành có hàng nông sản xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn phối hợp, cung cấp thông tin các đầu mối liên hệ để giúp địa phương có thể chủ động và kịp thời thông tin trực tiếp khi cần thiết.
Không thấy cơ quan chức năng nào hướng dẫn cho dân ta nên đổi mới cung cách làm ăn qua biên giới với Trung quốc. Doanh số lĩnh vực này cũng không quá lớn, chỉ có luật lệ là lỏng lẻo ? Riêng kim ngạch xuất khẩu của ta đi Mỹ đã gần 100 tỷ USD rồi, cũng chằng cần lợi thế biên giới, chỉ cần thay đổi tư duy logistic theo hướng hiện đại là OK. Làm ăn qua biên giới TQ nói nhiều, nói mãi vẫn không thay đổi, chỉ càng đẩy dân ta vào thế ngày càng yếu hơn trong cuộc chơi cạnh tranh thị trường mà thôi. Bộ Công thương phải chủ trì khâu này cùng Bộ Nông nghiệp, nếu ba năm đến không thay đổi thì cũng nên cho các vị từ chức bớt ?