(KTSG Online) - Ngày 7-3, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ thông qua hồ sơ xây dựng nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chính phủ quyết nghị đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp sau:
1- Việc xử lý là cần thiết để ứng phó với tình huống khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác. Bên kiểm soát dữ liệu, bên xử lý dữ liệu, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu, bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.
2- Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.
3- Việc xử lý là cần thiết vì yêu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật khác.
4- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của luật.
5- Dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của luật.
Chính phủ đã quyết nghị thông qua nội dung dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo nghị định theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo dự thảo nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân mà Bộ Công an từng đưa ra lấy ý kiến, dữ liệu cá nhân là dữ liệu về cá nhân hoặc liên quan đến việc xác định hoặc có thể xác định một cá nhân cụ thể.
Số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội, số điện thoại... được xem là dữ liệu cá nhân cơ bản.
Cũng theo dự thảo, dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm dữ liệu cá nhân về quan điểm chính trị, tôn giáo; dữ liệu cá nhân về tình trạng sức khỏe; dữ liệu cá nhân về di truyền; dữ liệu cá nhân về đời sống, xu hướng tình dục; dữ liệu cá nhân về tội phạm; dữ liệu cá nhân về tài chính...
Quy định như vậy là quá rộng. Một mặt đề cao tuyệt đối vai trò “cơ quan có thẩm quyền” mà không biết rằng hiện nay chưa có đủ cơ chế hữu hiệu để kiểm soát được việc sử dụng dữ liệu như thế nào là đúng, mặt khác vô hình trung loại bỏ vai trò cá nhân trong việc họ có vai trò làm chủ tuyệt đối dữ liệu có liên quan đến chính mình. Thực trạng xử án oan sai rất nhiều đang đầy ra đấy. Vì vậy tất cả phải được cụ thể hóa, phải có sự đồng thuận trước của cả hai bên bằng văn bản pháp lý, và quan trọng là người chủ dữ liệu có quyền khởi kiện ra tòa để xử lý các hành vi sai trái, được quyền đòi bồi thường nhưng tổn hại đến tinh thần và vật chất chính đáng của mình.