(KTSG Online) - Những khó khăn vướng mắc trong việc đầu tư, khai thác các dự án BOT giao thông vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Có 55 dự án có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ 73.090 tỉ đồng, khách hàng rất khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, do đó có khả năng nợ xấu trong lĩnh vực giao thông sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
NHNN: Nợ xấu BOT còn tăng
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hồi cuối tháng 1 trả lời đề nghị phối phối hợp đề xuất một số cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc tín dụng đối với các dự án PPP giao thông, NHNN cho biết: Tính đến 30-9-2021, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án PPP, trong đó có BOT giao thông là 102.621 tỉ đồng; nợ xấu 12.721 tỉ đồng, chiếm 12,4%. Bên cạnh đó, có 55 dự án có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ 73.090 tỉ đồng, khách hàng rất khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, do đó có khả năng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
NHNN nói thêm: Nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm phần lớn tổng vốn nhà đầu tư góp vào dự án; tuy nhiên, việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với các dự án BOT giao thông gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ chính các dự án. Cụ thể: (i) nhiều dự án có doanh thu sụt giảm so với phương án tài chính ban đầu; (ii) ảnh hưởng của thay đổi chính sách phí, chưa được thu phí hoặc tạm dừng thu phí của cơ quan có thẩm quyền; (iii) tình hình mất an ninh, trật tự tại một số trạm thu phí; (iv) ảnh hưởng của dịch Covid-19... dẫn đến rủi ro cho TCTD, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động.
Từ năm 2019 tới nay NHNN đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT và nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, VPCP (đồng thời gửi Bộ GTVT) về tình hình cấp tín dụng của các TCTD đối với các dự án PPP giao thông, trong đó có đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc nhằm tiếp tục thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án giao thông. Vì vậy, các ngân hàng rất thận trọng trong cho vay đối với các dự án PPP giao thông mới.
Quan điểm của NHNN trong việc cấp tín dụng đối với các dự án PPP giao thông là: Các TCTD tự xem xét, quyết định cho vay các dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Các TCTD xem xét, quyết định cho vay đối với các dự án trên cơ sở thẩm định hiệu quả, khả thi của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng vẫn có thể cấp tín dụng cho dự án BOT có vốn đầu tư công
Xuất phát từ những khó khăn như nêu trên, trong thời gian qua nhiều TCTD (Vietinbank, BIDV, SHB, Indovinabank...) và doanh nghiệp BOT (Tổng công ty 36, Công ty BOT QL91, Công ty BOT cầu Phú Hà, Công ty CP BOT Quốc lộ 38, Công ty Quang Đức…) đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, NHNN đề nghị xử lý khó khăn, bất cập trong việc đầu tư, xây dựng các công trình giao thông. Vì vậy, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư và TCTD tài trợ; hạn chế phát sinh nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng cho đầu tư các dự án mới, NHNN đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm các bất cập, vướng mắc trong việc đầu tư, khai thác các dự án BOT giao thông trong thời gian qua.
Hiện nay, nhiều dự án đã hoàn thành 2-3 năm nhưng chưa quyết toán xong, trạm thu phí tạm dừng thu chưa có quyết định hoặc lộ trình thu phí trở lại, các dự án có doanh thu sụt giảm chưa được rà soát, chưa tính toán lại lộ trình tăng phí...) dẫn đến TCTD không có cơ sở để xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền các dự án.
NHNN đề nghị Bộ GTVT phối hợp với nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tài trợ để rà soát, quyết toán dứt điểm các dự án đã hoàn thành; tính toán cụ thể phương án tài chính và ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng BOT làm cơ sở để TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo dòng tiền thực tế của dự án. Theo đó, tài sản bảo đảm của các khoản vay đối với các dự án BOT chủ yếu là quyền thu phí. Việc xử lý tài sản đảm bảo kéo dài và rất khó khăn do phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và các dự án đã có doanh thu không đủ trả nợ vay thì khó có thể tìm được nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện dự án. Vì vậy, Bộ GTVT cần tích cực trong việc phối hợp nhà đầu tư, TCTD tài trợ có chế xử lý tài sản đảm bảo cho TCTD.
Đối với các dự án mới: Cần đấu thầu để lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính; đáp ứng các điều kiện cấp tín dụng của TCTD; đồng thời có khả năng huy động vốn từ các nguồn khác nhau (vốn tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động qua thị trường chứng khoán...) giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một nguồn vốn cụ thể.
NHNN vẫn khẳng định: Cho vay các dự án BOT giao thông có mức độ rủi ro cao; trường hợp tập trung tín dụng và xảy ra rủi ro sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, để thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án, đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền có thể cho phép áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu, phí hoặc cơ chế giá phù hợp để đảm bảo hiệu quả dự án, hạn chế rủi ro cho TCTD cho vay đối với các dự án.
Theo kinh nghiệm quốc tế: có 4 nguồn vốn chủ yếu cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông: (1) Vốn tự có (chiếm khoảng 15-20%); (2) Vốn vay ngân hàng, gồm cả ngân hàng phát triển và ngân hàng thương mại (khoảng 40-50%); (3) Vốn phát hành trái phiếu, gồm trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ/trái phiếu chính quyền địa phương với mục đích chính là tài trợ cho dự án, hoặc chủ đầu tư phát hành trái phiếu và do Chính phủ bảo lãnh (chiếm khoảng 20-25%); (iv) Nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm cả vốn ODA và các quỹ đầu tư (chiếm khoảng 10-15%).
NHNN gợi ý: Khi đầu tư các dự án bằng vốn đầu tư công, các TCTD vẫn có thể tham gia cấp tín dụng đối với các nhà thầu xây lắp, nhà sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng… để triển khai, thực hiện các dự án.
Kinh doanh thì phải có lỗ có lời. BOT giao thông cũng vậy thôi. Phần lớn lý do dẫn đến mất cân đối tài chính của các dự án này là thuộc về quản trị chứ không phải thị trường. Người lo lắng nhất lúc này là chủ nợ chứ không phải khách nợ, người lo lắng thứ hai là khách hàng sử dụng dịch vụ, không biết bị áp tăng phí lúc nào mà lần ?