(KTSG Online) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 25.500 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 40% kế hoạch được giao.
- Gỡ khó về giải ngân vốn đầu tư công tại 6 địa phương
- Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 28% kế hoạch sau 6 tháng
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024, diễn ra ngày 3-7 vừa qua.
Baochinhphu.vn dẫn thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt, hoàn thành đưa vào khai thác 4 dự án. Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt được đầu tư theo hình thức BOT.
Như vậy, cả nước có 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Điều này giúp rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ TPHCM đến Nha Trang, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc lên hơn 2.000km.
Bàn về đề án xử lý vướng mắc các dự án BOT giao thông, trong tháng 7-2024, Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ làm việc với 3 địa phương để hoàn thiện báo cáo đối với 3 dự án BOT. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đàm phán với các nhà đầu tư, các ngân hàng để thống nhất giải pháp và xác định mức chia sẻ của các bên đối với 8 dự án do bộ quản lý. Trên cơ sở đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam tổng hợp, hoàn chỉnh đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua trước khi trình Thường trực Chính phủ vào đầu tháng 8-2024.
Một số thông tin khác, bộ đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cổng dịch vụ công của bộ với 50/63 cổng dịch vụ công các địa phương; cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Liên quan đến trạm dừng nghỉ, đến nay, cả nước có 5/8 trạm dừng nghỉ thuộc 4 dự án thành phần cao tốc gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã lựa chọn được nhà đầu tư. Cục đường cao tốc dự kiến, trong đầu tháng 7-2024, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành, tiến tới đàm phán và ký kết hợp đồng.