Thứ Bảy, 26/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

63% người dùng đọc tin tức giả mạo trên Facebook

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

63% người dùng đọc tin tức giả mạo trên Facebook

Chí Thịnh

63% người dùng đọc tin tức giả mạo trên Facebook
Năm 2017, các hacker đang gia tăng hoạt động tấn công, lây nhiễm mã độc đào tiền ảo vào máy tính, trang web... Ảnh; Bkav cung cấp.

(TBKTSG Online) - Theo công ty an ninh mạng Bkav, trong năm 2017 có tới 63% người dùng Internet thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên mạng xã hội. Đồng thời, thiệt hại do virus máy tính gây ra đã tăng gần 2.000 tỉ đồng so với năm ngoái.

Chương trình đánh giá an ninh mạng trong tháng 12-2017 do Tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện cho thấy trong năm, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỉ đồng, tương đương 540 triệu đô la Mỹ, vượt xa con số 10.400 tỉ đồng của năm ngoái. Ở các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, tội phạm mạng gây ra tổng thiệt hại lên tới 200 tỉ đô la Mỹ/năm.

Theo dự báo trước đó của các chuyên gia an ninh mạng Bkav, các thiết bị kết nối Internet (IoT) như thiết bị phát sóng Wi-Fi (router), IP camera (camera kết nối mạng)… trở thành đích nhắm của tin tặc (hacker) trong năm 2017. Điển hình là sự bùng nổ các biến thể mới của mã độc Mirai, trong đó có biến thể nhắm đến mục tiêu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, lỗ hổng Blueborne trong công nghệ kết nối không dây Bluetooth đã khiến cho 8,2 tỉ thiết bị IoT trên toàn cầu (sử dụng công nghệ này) rơi vào vòng nguy hiểm. Hoặc lỗ hổng bảo mật Krack, giúp hacker xâm nhập vào hầu hết mạng Wi-Fi mà không cần mật khẩu, khiến các thiết bị IoT có kết nối Wi-Fi đối mặt với những cuộc tấn công mạng quy mô lớn.

Sự bùng nổ của tin tức giả mạo (tin bịa đặt, không đúng sự thật) đã lan tràn trên mạng xã hội trong năm vừa qua. Tại Mỹ, tin tức giả mạo (fake news) cũng tràn ngập trên Facebook, Google, Twitter… Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày.

Đồng thời, đã có hàng loạt công nghệ sinh trắc học như cảm biến vân tay, nhận diện hình ảnh (Face ID) được đưa ra nhằm xác thực thông tin người dùng thiết bị di động. Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia Bkav thì các công nghệ này vẫn chưa hoàn thiện và tồn tại lỗ hổng bảo mật.

Năm 2017 cũng chứng kiến sự tăng giá chóng mặt của các đồng tiền kỹ thuật số (ví dụ như bitcoin), tạo ra những “cơn sốt” trên toàn cầu. Điều này đã thúc đẩy hacker gia tăng các hình thức tấn công nhằm biến máy tính người dùng thành công cụ đào tiền ảo. Hiện thời, có hai hình thức tấn công phổ biến nhất được hacker sử dụng là khai thác lỗ hổng trên các trang web và lợi dụng mạng xã hội để phát tán virus. Tội phạm mạng thường chọn các trang web có nhiều người sử dụng để tấn công và cài mã độc có tính năng đào tiền ảo lên đó; khi người dùng truy cập vào các trang web này, mã độc sẽ được kích hoạt.

Các chuyên gia bảo mật dự báo trong năm tới sẽ có sự bùng nổ các cuộc tấn công phát tán mã độc nhằm thu lợi bất chính như mã độc mã hoá dữ liệu để tống tiền (ransomware), mã độc đào tiền ảo… Bên cạnh việc phát tán mã độc để tạo ra mạng lưới botnet đào tiền ảo, các hacker cũng sẽ nhắm mục tiêu tấn công trực tiếp vào các sàn giao dịch tiền ảo. Hiện nay hầu hết các sàn giao dịch tiền ảo đều không có sự đảm bảo từ các chính phủ, do vậy nếu xảy ra tấn công, người tham gia sàn giao dịch sẽ chịu mọi rủi ro, mất tiền...

Mời đọc thêm

Hơn 12.000 máy tính Việt Nam nhiễm mã độc Facebook đào tiền ảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới