(KTSG Online) – Hiện tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%, với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% trong giai đoạn 2015-2021.
Đây là con số được ông Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tại buổi họp báo Ngày không tiền mặt 2022 do Vụ Thanh toán (thuộc NHNN) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức vào ngày 20-5.
Số liệu của NHNN cho biết tính chung 4 tháng đầu năm, con số giao dịch thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32,37% về giá trị, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88,42% số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Các kênh giao dịch cũng có sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng và giá trị giao dịch. Đến tháng 4-2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị so với cùng kỳ. Kênh giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%, kênh điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%, kênh mã QR tăng tương ứng 56,52% và 111,62%.
Việc ứng dụng công nghệ mới cho phép việc mở tài khoản nhanh chóng hơn. Hiện có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức xác thực điện tử (eKYC), hình thức rất phổ biến và được triển khai rộng khắp kể từ đợt bùng dịch Covid-19 trong năm ngoái.
Đáng chú ý là dịch vụ mobile money vừa triển khai thí điểm đã có khoảng 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng, trong đó chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ đến từ khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Theo đại diện NHNN, trong thời gian qua hệ sinh thái thanh toán phát triển rộng với nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới, chẳng hạn như mở tài khoản, mở thẻ bằng eKYC, hay thanh toán, rút tiền ATM không cần thẻ qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ, từ đó góp phần phổ biến các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân.
Trong thời gian tới, ông Dũng cho biết phía NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, trước mắt sẽ tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 101, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox).
Ngoài ra, NHNN cũng sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan để triển khai Quyết định 06 ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng.
Phiên chợ "không tiền mặt” và chuyến xe "không tiền mặt"Sau một năm bị trì hoãn vì dịch bệnh, sự kiện “Ngày không tiền mặt 2022” dự kiến sẽ tổ chức thành chuỗi sự kiện bao gồm nhiều hoạt động, từ hội thảo quốc gia đến phiên chợ không tiền mặt, chuyến xe không tiền mặt và nhiều hoạt động thể thao bên lề khác để hưởng ứng.Theo Ban tổ chức, hai phiên chợ không tiền mặt dự kiến tổ chức ngày 4-6 và 12-6 tại Khu công nghệ cao TP.HCM và Khu chế xuất Tân Thuận. Chương trình có sự đồng hành của Sở Công Thương TPHCM với các nhà cung ứng, doanh nghiệp, ngân hàng. Tại phiên chợ, công nhân có thể trải nghiệm các phương thức thanh toán không tiền mặt và được mua các sản phẩm với mức ưu đãi đặc biệt.Một điểm nhấn khác là chuyến xe không tiền mặt, xuất phát từ Hà Nội ngày 19-6, dự kiến sẽ tiếp cận và truyền thông đến người dân ở nhiều địa phương với nhiều chương trình trải nghiệm.
Hợp tác hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thông qua thẻ tín dụng nội địaTại buổi họp báo, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), Ngân hàng Sacombank và công ty trung gian thanh toán NextPay đã ký biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ tài chính cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua thẻ tín dụng nội địa.Đây là sản phẩm được thiết kế dành riêng cho các chủ doanh nghiệp, với đầy đủ các tính năng của chiếc thẻ tín dụng nội địa từ rút tiền mặt, thanh toán tại POS, thanh toán trả góp với lãi suất thấp, đáp ứng các nhu cầu chi tiêu phục vụ các hoạt động kinh doanh. “Thẻ tín dụng nội địa là giải pháp tài chính giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn và là phương tiện thanh toán giúp quản lý chi tiêu ngân sách của doanh nghiệp được hiệu quả hơn. Với những giải pháp cụ thể cùng những cam kết chung giữa NAPAS, Sacombank và NextPay trong thời gian tới, chúng tôi tin tưởng thẻ tín dụng nội địa sẽ tiếp tục phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và đẩy lùi tín dụng đen”, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS, cho biết.