Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

66% tàu thủy nội địa đã quá 10 năm không quay lại đăng kiểm

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Điều kiện về an toàn kỹ thuật của phương tiện, trình độ người lái phần lớn chưa đáp ứng. Quy chuẩn kỹ thuật chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời đã tạo ra điểm nghẽn phát triển vận tải thuỷ nội địa.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết có hơn 191.000 tàu thủy nội địa đã quá 10 năm không quay lại đăng kiểm. Ảnh minh họa: TTXVN

Hội nghị về quản lý nhà nước phương tiện thủy nội địa (khu vực phía Bắc) do Cục Đăng kiểm phối hợp với Cục Đường thủy nội địa tổ chức ngày 6-11, tại Hà Nội.

TTXVN dẫn thông tin từ hội nghị cho biết, hiện trạng số lượng tàu được đăng ký, đăng kiểm trong lĩnh vực đường thủy thời gian qua còn thấp, tạo ra nhiều hệ quả tiêu cực, chứng tỏ hiệu lực hiệu quả về việc đăng kiểm, đăng ký phương tiện thuỷ nội địa còn chưa đạt yêu cầu, không chỉ ở Trung ương mà ở cả địa phương.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm công bố tại hội nghị, tính đến ngày 1-11-2023, số tàu thủy nội địa đã đăng kiểm lần đầu là gần 290.000, trong số này có hơn 191.000 tàu (chiếm 66%) đã quá 10 năm không quay lại đăng kiểm, đa số là tàu nhỏ. Ngoài ra có gần 3.000 tàu cấp VR-SB (sông pha biển) đang hoạt động.

Điều kiện về an toàn kỹ thuật của phương tiện, trình độ người lái phần lớn chưa đáp ứng, chất lượng dịch vụ hàng hoá, hành khách còn ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc phát triển đội tàu, kiện toàn đội ngũ thuyền viên, người lái.

Nguyên nhân do việc quản lý nhiều năm không được chú trọng, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật tuy đã đầy đủ song chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo ra điểm nghẽn phát triển vận tải thuỷ nội địa cả nước.

Theo Cục Đăng kiểm, do phương tiện thủy nội địa thuộc dạng phải đăng kiểm đa dạng về công dụng, kích thước, trọng tải, khu vực hoạt động nên việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn chung áp dụng cho tất cả các phương tiện gặp khó khăn.

Thống kê trên cả nước còn 25/63 tỉnh chưa có cơ sở đóng tàu được xác nhận và cấp thông báo năng lực cơ sở đóng tàu, tập trung vào các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên hoặc một số tỉnh có ít tàu.

Điều này dẫn đến hiện tượng người dân, doanh nghiệp đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu tại các cơ sở ở bãi ven sông, hồ không đủ điều kiện; hoặc tàu được đóng/gia công tổng đoạn, chi tiết tại địa phương khác (tại các cơ sở đóng tàu đã được xác nhận năng lực), rồi được vận chuyển từng phần hoặc các chi tiết, cụm chi tiết bằng đường bộ đến các bờ, bãi ven sông, hồ để lắp ráp hoàn chỉnh, gây khó khăn cho công tác đăng kiểm.

Cục Đường thuỷ nội địa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy nội địa, xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về đăng ký phương tiện thủy nội địa, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật giúp đảm bảo thực hiện thủ tục nhanh chóng, thuận tiện cho người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới