Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

8.000 nhà văn Mỹ yêu cầu các công ty AI trả tiền khi sử dụng tác phẩm

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hơn 8.000 nhà văn thuộc Hiệp hội nhà văn Mỹ (AG) đã ký tên vào một bức thư ngỏ, yêu cầu lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Meta Platforms và Alphabet không sử dụng tùy tiện tác phẩm để đào tạo các mô hình AI. Nếu sử dụng, những tập đoàn này phải xin phép và trả tiền.

Thư ngỏ của Hiệp hội nhà văn Mỹ (AG) yêu cầu lãnh đạo của các tập đoàn công nghê như Microsoft, Meta Platforms và Alphabet trả tiền nếu sử dụng tác phẩm của các nhà văn để đào tạo các mô hình AI. Ảnh: authorsguild.org

Bức thư có chữ ký của nhiều nhà văn nổi tiếng như James Patterson, Margaret Atwood và Jonathan Franzen đã được Hiệp hội nhà văn Mỹ công bố vào ngày 18-7 vừa qua. Trong đó, có nội dung cho rằng, các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) “bắt chước và lặp lại ngôn ngữ, câu chuyện, phong cách và ý tưởng của chúng tôi”.

Cụ thể, bức thư có đoạn: “Hàng triệu cuốn sách, bài báo, tiểu luận và bài thơ có bản quyền đang cung cấp ‘thức ăn” cho cho các hệ thống AI. Đó là những ‘bữa ăn’ vô tận mà không có hóa đơn tính tiền. Quý vị đang chi hàng tỉ đô la để phát triển công nghệ AI. Sẽ công bằng khi quý vị đền bù cho chúng tôi vì đã sử dụng các bài viết của chúng tôi. Vì nếu không có chúng, AI sẽ trở nên tầm thường và cực kỳ hạn chế”.

Bức thư trên đã được gửi tới các CEO của OpenAI, IBM, Stability AI và một số công ty công nghệ như Alphabet, Microsoft, Meta Platforms đang vận hành các mô hình AI và chatbot như Bard, ChatGPT và Llama.

Các sản phẩm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT của OpenAI và Bard của Google được đào tạo một phần trên các bộ dữ liệu văn bản khổng lồ từ internet. Tuy nhiên, không rõ liệu các công ty đã xin phép sử dụng các bộ dữ liệu này hay chưa và ở mức độ nào. Một số công ty công nghệ cho rằng, việc lấy thông tin từ internet là phù hợp với nguyên tắc sử dụng hợp lý (fair use), vốn cho phép trích dẫn hoặc sao chép các tư liệu của người khác đã đăng ký bản quyền một cách phi lợi nhuận mà không cần xin phép.

Bức thư của AG cho biết, nhiều cuốn sách được sử dụng để huấn luyện các hệ thống AI được lấy từ “các trang web vi phạm bản quyền khét tiếng”. Meta, OpenAI, Alphabet, Stability, IBM và Microsoft chưa đưa ra bình luận nào về bức thư trên.

“Nếu các nhà văn không được đền bù một cách công bằng thì không đủ khả năng để sáng tạo. Nếu các nhà văn không được trả tiền để viết thì cũng không đủ khả năng để viết. AI không thể tạo ra những câu chuyện về con người mà không lấy từ các nguồn đã viết sẵn”, Nữ nhà văn Nora Roberts, tác giả của 225 tiểu thuyết lãng mạn, người ký tên trong bức thư nói.

AG cảnh báo, khi các nhà văn phải từ bỏ nghề nghiệp, đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả mọi người chứ không chỉ các nhà văn vì ngày càng có ít những cuốn sách hay được viết và xuất bản. Điều này đe dọa một nền văn hóa dân chủ, tự do phụ thuộc vào một hệ sinh thái lành mạnh, đa dạng. Trong đó, mọi quan điểm, tiếng nói đều được lắng nghe và trao đổi.

Đầu tháng này, diễn viên hài kiêm nhà văn Sarah Silverman và hai nhà văn khác đệ đơn kiện Meta, với buộc rằng mô hình trí tuệ nhân tạo Llama của công ty này được đào tạo một phần dựa trên nội dung từ trang web “thư viện bóng tối” lưu trữ bất hợp pháp các tác phẩm có bản quyền của các tác giả.

Nhóm này cũng đệ đơn kiện tương tự chống lại OpenAI và dẫn ra bằng chứng là khi được yêu cầu, ChatGPT sẽ cung cấp nội dung tóm tắt của các tác phẩm của các tác giả và điều này vi phạm bản quyền.

AG cho biết, các nhà văn chứng kiến ​​thu nhập giảm 40% trong thập niên qua. Theo một cuộc khảo sát do hiệp hội này thực hiện, thu nhập trung bình của các nhà văn làm việc toàn thời gian ở Mỹ vào năm 2022 là 22.330 đô la. Trí tuệ nhân tạo tiếp tục đe dọa nghề viết văn vì nội dung do AI tạo ra làm bão hòa thị trường.

“Đầu ra của AI sẽ luôn có bản chất phái sinh. Tác phẩm của chúng tôi không thể được sử dụng nếu không có sự đồng ý và thù lao”, Maya Shanbhag Lang, Chủ tịch của AG, cho biết trong một tuyên bố.

Trí tuệ nhân tạo đang đối mặt với sự giám sát ngày càng gắt gao khi mức độ phổ biến của chatbot ngày càng tăng.

Các giám đốc điều hành và nhà nghiên cứu công nghệ hàng đầu, gồm CEO của Tesla, Elon Musk đã kêu gọi tạm dừng phát triển một số công cụ AI mới để thiết lập các tiêu chuẩn an toàn cũng như hiểu rõ hơn và giảm thiểu rủi ro liên quan đến AI.

Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) cũng đang mở cuộc điều tra xem liệu ChatGPT của OpenAI có gây hại cho mọi người hay không khi chia sẻ thông tin sai lệch về họ. Động thái này đánh dấu sự leo thang về vai trò của chính phủ trong nỗ lự kiểm soát công nghệ.

Theo WSJ, AP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới