90% startup AI Trung Quốc đối mặt nguy cơ thất bại vì đói vốn
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Phần lớn công ty khởi nghiệp (startup) hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ thất bại vì cạn kiệt nguồn vốn và áp lực thương mại hóa sản phẩm của họ.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt, một trong những lĩnh vực của A thu hút nguồn vốn đầu tư lớn ở Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Cơn sốt đầu tư vào các startup AI
Trong những năm gần đây, các startup AI của Trung Quốc mọc lên như nấm và nhận được nguồn tiền đầu tư khổng lồ từ các công ty đầu tư vốn mạo hiểm. Trung Quốc đang huy động mọi nỗ lực để đưa nước này trở thành cường quốc hàng đầu thế giới về AI vào năm 2030. Hãng kiểm toán quốc tế PwC dự báo triển khai các ứng dụng của AI sẽ đóng góp thêm cho GDP toàn cầu 15.700 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, trong đó, Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa.
Khi Lin Yuanqing, cựu lãnh đạo ở bộ phận nghiên cứu AI của hãng tìm kiếm Baidu, mở đợt huy động vốn đầu tiên cho startup do ông sáng lập có tên gọi Aibee Beijing Intelligent Technology vào cuối năm 2017, thách thức duy nhất của ông là quyết định từ chối khoản đầu tư nào.
Aibee Beijing Intelligent Technology, chuyên nghiên cứu ứng dụng AI cho các doanh nghiệp, đã thu về hơn 25 triệu đô la từ một nhóm nhà đầu tư nhờ được định giá hơn 800 triệu đô la Mỹ. Một số nhà đầu tư cho rằng Aibee Beijing Intelligent Technology vẫn thiếu “các sản phẩm cụ thể” và công ty này mới chỉ có vài nhân viên. Song điều này không ngăn cản sự quan tâm của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ và quỹ đầu tư như Alibaba, Baidu, Tecent... dành cho Aibee Beijing Intelligent Technology dù rốt cục, không phải ai cũng quyết định đầu tư
Từ năm 2013 đến quí 1 năm nay, 60% tổng nguồn vốn huy động trên toàn cầu cho các dự án AI đều chảy vào Trung Quốc, khiến AI trở thành lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nóng nhất, theo một báo cáo của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh hồi tháng 7.
Năm ngoái, các công ty Trung Quốc chiếm 70% trong 39,5 tỉ đô la giá trị đầu tư vào các dự án AI trên toàn cầu.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt là một trong những lĩnh vực của AI nhận được nhiều vốn đầu tư tại Trung Quốc. Hồi tháng 6, hai startup AI chuyên phát triển công nghệ khuôn mặt Megvii và SenseTime đã nhận được các khoản đầu tư trị giá 1,6 tỉ đô từ tập đoàn đầu tư Softbank (Nhật Bản) và Alibaba cùng nhiều nhà đầu tư khác.
9/10 startup AI Trung Quốc sẽ đối mặt khó khăn
Sức hút từ vọng gọi vốn của Aibee Beijing Intelligent Technology cho thấy bong bóng đầu tư AI đang bùng lên ở Trung Quốc. Song giờ đây, thời điểm quyết định số phận của các startup AI Trung Quốc sắp cận kề và có đến 9/10 trong số này có thể thất bại khi cơn sốt đầu tư xìu xuống, theo nhận định của Ai Yu, tổng giám đốc quỹ đầu tư China Everbright, đang quản lý các khoản đầu tư trị giá 30 tỉ nhân dân tệ (4,4 tỉ đô) ở các startup đình đám Trung Quốc như Meituan-Dianping, iQiyi, SenseTime, NIO và Xpeng.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc triển lãm mang tên Smart China Expo ở thành phố Trùng Khánh hôm 25-8, Ai Yu cho biết thách thức trước mắt đối với các startup AI Trung Quốc không chỉ là nguồn vốn đầu tư cạn kiệt do nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và nỗ lực giảm nợ trong nền kinh tế mà còn là áp lực ngày càng gia tăng về việc thương mại hóa công nghệ AI mà họ đang phát triển.
“Thật đáng khích lệ khi chứng khiến các hoạt động cung cấp vốn cho AI ở Trung Quốc vượt qua Mỹ nhưng sức nóng đầu tư AI cũng đi kèm với nguy cơ bong bóng”, Ai Yu, nói.
Tuy nhiên, ông cho biết nhiều khoản tiền khổng lồ được rót vào các startup Al Trung Quốc có mức định giá thổi phồng và trên thực tế chỉ có chưa đến 5% trong số các startup này đạt doanh thu 1 tỉ nhân dân tệ/năm. Nhiều startup AI Trung Quốc chưa thành lập được mạng lưới hoạt động vẫn huy động được các nguồn vốn lên đến 100 triệu nhân dân tệ.
Ai Yu dự báo 90% startup AI của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn trong hai năm tới khi mà các dấu hiệu thắt chặt nguồn vốn đã bắt đầu xuất hiện rõ trong năm nay. Các start-up Al ở Trung Quốc tạo ra cơn bùng nổ đầu tư trong bốn năm qua nhưng phần lớn họ chưa có kế hoạch thương mại hóa rõ ràng. Ai Yu cho biết những tên tuổi dẫn đầu đã xuất hiện trong các lĩnh vực nhận diện khuôn mặt và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, vậy nên, những start-up đến sau sẽ không có cơ hội huy động vốn lớn từ các nhà đầu mạo hiểm.
Yang Fan, người đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch SenseTime, start-up giá trị nhất thế giới trong lĩnh vực AI có trụ sở Bắc Kinh và Hồng Kông, cũng đồng tình với nhận định của Ai Yu. “Công nghệ nhận diện khuôn mặt chỉ nên tập trung vào nhu cầu thực tế”, Yang nói khi đề cập đến những cuộc thảo luận gần đây về tính khả thi thương mại của việc ứng dụng công nghệ trong những hoạt động thường ngày như điều khiển máy điều hòa nhiệt độ hoặc để ngăn chặn nạn ăn cắp giấy vệ sinh ở các nhà vệ sinh công cộng.
Yang cho biết một công ty sản xuất đồ gia dụng điện tử gần đây đã liên hệ với công ty ông để đề nghị tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt vào máy điều hòa nhiệt độ để nhiệt độ có thể tự động điều chỉnh khi nhận diện mặt gia chủ.
“Tại sao không dùng thiết bị điều khiển từ xa, có phải đơn giản hơn không”, ông nói.
Về việc lắp đặt công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong các nhà vệ sinh công cộng để kiểm soát nạn ăn cắp giấy vệ sinh, Yang cho rằng đây là điều không cần thiết vì chi phí lắp đặt công nghệ này chắc chắn không thể thu hồi nhờ việc hạn chế được các cuộn giấy vệ sinh bị mất cắp. Yang khuyên các startup AI cần phải am hiểu rõ nhu cầu thị trường và xác định được các vấn đề chính xác mà họ đang cố gắng giải quyết.
(Theo SCMP, Financial Times)