Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cả nước tiết kiệm 7.000 tỉ đồng chi thường xuyên trong năm 2024

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, đơn vị giảm nhiều loại chi phí và dự kiến sẽ tiết kiệm được khoảng 7.000 tỉ đồng trong năm 2024.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Ảnh: LÊ VŨ

Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, TTXVN đưa tin.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho hay, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong đó, tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại. Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách.

Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỉ đồng chi thường xuyên. Hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển.

Về thủ tục thu tiền sử dụng đất, theo Phó thủ tướng, thực tế thủ tục này không phức tạp mà chỉ chậm do việc xác định giá đất chậm. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2024. Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, do đó các đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; cải thiện công tác lập kế hoạch dự toán.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới