Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ không lắng dịu sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Dù có cách tiếp cận khác nhau, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có chung quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.

Trung Quốc không kỳ vọng mối quan hệ được cải thiện

Trong suốt nhiều tháng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, giới phân tích đã nói nhiều đến việc người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ có thể tác động sâu rộng đến mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, phần lớn ý kiến đều cho rằng cho dù ai là người giành chiến thắng, căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn sẽ tồn tại. “Đối với chúng tôi, những người dân Trung Quốc bình thường, bất kể ai trở thành tổng thống Mỹ, mọi thứ cũng không có nhiều khác biệt”, cư dân Bắc Kinh Li Shuo chia sẻ với CNN trước thềm cuộc bầu cử.

Theo CNN, quan điểm kể trên chủ yếu bắt nguồn từ sự đồng thuận rộng rãi tại Trung Quốc, từ các nhà hoạch định chính sách cho đến công dân bình thường - rằng mọi chính quyền của Mỹ, cho dù là của đảng Dân chủ hay Cộng hòa, cũng đều sẽ muốn hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trên toàn cầu, bao gồm cả trong lĩnh vực kinh tế.

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, chính quyền của đảng Cộng hòa đã tiến hành áp thuế đối với hàng trăm tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc, đồng thời phát động chiến dịch chống lại gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Bốn năm qua dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ, Nhà Trắng đã có những sự thay đổi trong giọng điệu và nỗ lực ổn định truyền thông. Tuy nhiên, dù có sự thay đổi về mặt hình thức, bản chất của các chính sách vẫn được duy trì. Mối lo ngại của Washington đối với Bắc Kinh chỉ ngày càng sâu sắc hơn, khi Tổng thống Joe Biden nhắm mục tiêu vào các ngành công nghệ Trung Quốc bằng các biện pháp kiểm soát đầu tư và xuất khẩu, cũng như áp thuế quan.

Các nhà phân tích Trung Quốc nhìn chung đều dự báo, bất kể ai thắng cử tại Mỹ, khả năng có sự cải thiện trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh là không nhiều. “Nhìn về tương lai, việc tính liên tục trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc được duy trì gần như chắc chắn sẽ lấn át mọi khả năng xảy ra những thay đổi lớn”, Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Jin Canrong, Phó trưởng Khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân, nhận định cho dù ai nắm quyền tại Nhà Trắng, Trung Quốc vẫn sẽ là đối thủ chính của Mỹ, “sự khác biệt sẽ chỉ nằm ở khía cạnh chiến thuật, còn về chiến lược, nhìn chung sẽ không có gì thay đổi”.

Quan điểm cứng rắn sẽ tiếp tục được duy trì tại Mỹ

Còn tại Mỹ, các quan điểm tương tự cũng được đưa ra, khi giới chuyên gia đều tin rằng các chính quyền dù là của đảng Dân chủ hay Cộng hòa cũng đều sẽ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại.

Giáo sư kinh tế Eswar Prasad tại Đại học Cornell, cho biết: “Chiến thắng của ông Donald Trump rất có thể sẽ làm gia tăng sự thù địch về thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đẩy mạnh sự tách biệt về thương mại và tài chính giữa hai nước, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng bà Kamala Harris sẽ áp dụng mức thuế quan mạnh hơn - điều mà Tổng thống Biden từng làm trong nhiệm kỳ vừa qua”.

Chia sẻ trong chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC, chuyên gia kinh tế cấp cao Carlos Casanova tại Ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ UBP, cho biết “chúng tôi nghĩ rằng căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc với cả Mỹ và châu Âu vẫn sẽ tiếp diễn. Tôi nghĩ rằng ở Mỹ, điều này là rất rõ ràng. Quan điểm ủng hộ các hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc đã nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng”.

Đáng chú ý, người dân Mỹ có thể sẽ dễ dàng chấp nhận những chính sách mang tính bảo hộ hơn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Các khảo sát gần đây cho thấy, đánh giá của người dân về những lợi ích kinh tế mà mối quan hệ thương mại với Trung Quốc mang lại là không cao.

Trung tâm Đông - Tây, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết có tới hơn 55% người dân Mỹ không hề nhận biết được tác động của thương mại với châu Á nói chung hoặc Trung Quốc nói riêng, đối với hoạt động tạo việc làm. Chỉ 30% số người được hỏi tin rằng, thương mại với Trung Quốc đã tạo ra được việc làm tại tiểu bang nơi họ sinh sống. Số người tin rằng thương mại với châu Á (bao gồm cả Trung Quốc) là “rất có lợi”, thậm chí còn thấp hơn nữa, chỉ đạt khoảng 25%.

Theo chuyên gia Laura Silver thuộc Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington, “hầu hết người Mỹ đều có khái niệm tổng bằng 0 khi nói về thương mại. Họ thường có xu hướng nhận định rằng, các quốc gia khác được hưởng lợi nhiều hơn trong quan hệ thương mại với Mỹ, và điều đó đặc biệt đúng khi nói đến Trung Quốc”.

Bà cũng nói thêm rằng “Trên thực tế, có một số bằng chứng tương đối chắc chắn rằng người Mỹ thà không tạo ra bất kỳ việc làm nào ở Mỹ nếu điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều việc làm hơn được tạo ra ở một quốc gia mà người Mỹ không thích. Nếu chúng ta chỉ tạo được một việc làm, còn họ có được hai, đó sẽ bị coi là sự thua thiệt”.

Washington và Bắc Kinh có thể triển khai các chính sách mạnh mẽ hơn

Nhìn chung, giới chuyên gia đánh giá trong nhiệm kỳ tổng thống mới, dù là với chính quyền của đảng nào, các chính sách kinh tế cứng rắn của Nhà Trắng nhằm vào Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục được triển khai, từ việc áp dụng thuế quan, cho tới đẩy mạnh các nỗ lực hạn chế những lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Sự khác biệt sẽ chỉ nằm ở phương pháp, khi chính quyền của đảng Dân chủ hướng tới việc đưa ra các biện pháp có mục tiêu trong khi một chính quyền thuộc đảng Cộng hòa có thể có cách tiếp cận quyết liệt hơn.

Về phía Trung Quốc, chuyên gia Jin Canrong nhận định, Bắc Kinh sẽ cần phải đối mặt với thực tế và thừa nhận rằng, mối quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào giai đoạn cạnh tranh toàn diện, với sự đối đầu là điều không thể tránh khỏi. Trung Quốc sẽ cần tiếp tục duy trì các nỗ lực phát triển ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời thúc đẩy hơn nữa Sáng kiến Vành đai và con đường - chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quy mô toàn cầu, để có thể đảm bảo một vị trí chiến lược rất chủ động trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.

Khi phải đối mặt với áp lực thuế quan của Mỹ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực đàm phán để ngăn chặn căng thẳng thương mại leo thang. Tuy nhiên, theo Foreign Policy, trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ sắp tới, Bắc Kinh được dự báo có thể đưa ra những phản ứng mạnh mẽ hơn, nếu phải đối mặt với những áp lực tương tự.

Bước đi đầu tiên sẽ là trừng phạt mạnh tay một số công ty Mỹ thuộc nhóm Fortune 500. Dễ bị tổn thương hơn cả là những công ty hoạt động trong các lĩnh vực mà Trung Quốc có đủ năng lực cung cấp giải pháp thay thế. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có thể mở rộng các lệnh hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu các khoáng sản quan trọng và tiến hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khác. Chính phủ Trung Quốc cũng có thể bán tháo 100 tỉ đô la hoặc hơn nữa trong số 775 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ mà nước này đang nắm giữ.

Tuy nhiên, vũ khí lớn hơn cả của Bắc Kinh có thể là cho phép đồng tiền của mình tiếp tục giảm từ mức neo hiện tại là 7,1 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ, xuống thấp hơn nữa. Một động thái như vậy sẽ trực tiếp làm suy yếu các mức thuế quan được Chính phủ Mỹ áp dụng, đồng thời khiến Washington gặp khó khăn trong các nỗ lực làm suy yếu đồng bạc xanh để giảm thâm hụt thương mại toàn cầu và mở rộng việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

Nguồn: CNN Business, CNBC, SCMP, Reuters, Foreign Policy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới