Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi và mục tiêu 2030

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phục hồi nhưng tốc độ phục hồi sẽ tương đối chậm. Chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ hơn để thúc đẩy thị trường này trong thời gian tới”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Những dấu hiệu phục hồi

KTSG: Theo một số tổ chức đánh giá xếp hạng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thể hiện xu hướng phục hồi. Tổng giá trị phát hành trong chín tháng đầu năm 2024 (chủ yếu là phát hành riêng lẻ) đạt 313.600 tỉ đồng, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình chậm trả vẫn tiếp diễn nhưng giá trị ghi nhận trong tháng 9-2024 đã cải thiện... Ông đánh giá như thế nào về diễn biến này?

- PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Quả thực, theo những số liệu được ghi nhận, đã có sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sau một thời gian dài gần như đóng băng. Tổng giá trị phát hành sau chín tháng đầu năm 2024 đã tương đương với tổng giá trị phát hành của cả năm 2023, cao hơn tổng giá trị phát hành trong năm 2022 khoảng 22%.

Theo báo cáo của VIS Ratings, tháng 9-2024 là tháng đầu tiên kể từ tháng 10-2021 không ghi nhận trường hợp chậm trả nào phát sinh mới. Tỷ lệ trả chậm toàn thị trường tính tới cuối tháng 9-2024 là 14,8%, giảm so với mức 14,9% cùng kỳ tháng trước. Cũng trong tháng 9-2024, có 10 tổ chức phát hành đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ dư nợ gốc trái phiếu chậm trả, tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả tăng lên mức 21,2%. Tính chung quí 3-2024, tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới là 1.700 tỉ đồng, thấp hơn mức trung bình của bốn quí gần nhất là 14.900 tỉ đồng.

Chúng ta thấy, tổ chức tín dụng vẫn là chủ thể phát hành TPDN nhiều nhất, tới 74% giá trị TPDN trong chín tháng đầu năm 2024. Đây là xu hướng phù hợp vì các ngân hàng thương mại nếu chỉ dựa vào huy động vốn ngắn hạn thông qua kênh tiền gửi tiết kiệm thì sẽ không chủ động được về lượng vốn trung và dài hạn bơm ra cho nền kinh tế.

Một nhân tố khác liên quan tới bất động sản. Thị trường bất động sản, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc, đã bắt đầu ghi nhận dấu hiệu phục hồi. Thông tin từ Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản quí 3-2024 cho thấy, tại khu vực miền Bắc, số dự án được cấp phép mới là 16, vượt trội so với miền Trung (năm dự án) và miền Nam (hai dự án). Chính vì vậy, thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản tại miền Bắc đã được cải thiện, 70% giá trị hoàn trả TPDN chậm thanh toán trong tháng 9-2024 đến từ các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản ở phía Nam vẫn khó khăn hơn. Sự phục hồi của thị trường TPDN phụ thuộc nhiều vào xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản, thế nên, hiện nay có thể thấy, sự phục hồi vẫn đang lệch ở phía Bắc. Đó là vấn đề thứ nhất.

Thứ hai, các quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hành TPDN, nhất là trái phiếu riêng lẻ, xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp đang ngày càng chặt chẽ hơn. Một mặt, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong phát hành TPDN, mặt khác, số lượng nhà đầu tư tiếp cận được TPDN cũng hạn chế hơn. Chính vì vậy, dù thị trường TPDN có sự phục hồi nhưng tốc độ hồi phục sẽ tương đối chậm. Chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ hơn để thúc đẩy thị trường này trong thời gian tới.

KTSG: Liên quan tới các quy định của pháp luật về TPDN, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 đề xuất nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua TPDN có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm hoặc có xếp hạng tín nhiệm và bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Nhà đầu tư chuyên nghiệp được quy định là phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu hai năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quí trong bốn quí gần nhất; hoặc có thu nhập tối thiểu 1 tỉ đồng/năm trong hai năm gần nhất. Ông bình luận như thế nào về những sửa đổi này?

- Như đã nói, những quy định ngày càng chặt chẽ hơn khiến cho thị trường ngày càng minh bạch hơn. Các sửa đổi được nêu ra trong dự thảo Luật Chứng khoán cũng hướng tới mục tiêu này.

Dù vậy, việc xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp thông qua tiêu chí có ít nhất 10 giao dịch trong một quí, liên tiếp trong bốn quí, có lẽ chưa được hợp lý. Việc đầu tư của mỗi cá nhân phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của họ, không nên căn cứ theo số lượng giao dịch, trong đó có thể chỉ toàn là những giao dịch thua lỗ, mất vốn.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể nhìn sang kinh nghiệm của các nước đã phát triển trước. Ở các nước này, nhà đầu tư chuyên nghiệp được xác định bằng thu nhập ròng hoặc tài sản của người đó, cùng với vợ hoặc chồng của họ. Chẳng hạn, Luật Chứng khoán Mỹ yêu cầu đó là một cá nhân có thu nhập vượt quá 200.000 đô la Mỹ/năm trong hai năm gần nhất hoặc thu nhập chung với vợ/chồng vượt quá 300.000 đô la Mỹ/năm trong khoảng thời gian tương tự, kỳ vọng duy trì mức thu nhập đó; hoặc là một cá nhân có tài sản cá nhân hoặc tài sản chung với vợ/chồng vượt quá 1 triệu đô la Mỹ tại thời điểm giao dịch, không bao gồm giá trị bất động sản đang cư trú. Quan trọng nhất, các quy định kiểm tra, giám sát chặt chẽ, được áp dụng nghiêm ngặt để không ai dám khai gian, lách luật.

Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát hành TPDN

KTSG: Nhiều ý kiến băn khoăn về sự bất cân xứng trên thị trường TPDN khi doanh nghiệp nhỏ và vừa khó phát hành trái phiếu để tự huy động vốn. Chúng ta nên có cách tiếp cận như thế nào về vấn đề này?

- Quả thật, từ trước tới nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khó tự phát hành trái phiếu để thu hút vốn, do không đáp ứng đủ điều kiện hoặc không gánh được những chi phí liên quan như tư vấn, bảo lãnh phát hành...

Trong khi đó, cùng với doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng thương mại sẽ vẫn là bên phát hành TPDN lớn nhất trên thị trường, thu hút vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức cho doanh nghiệp vay lại; doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là bên thứ cấp tiếp cận vốn, chấp nhận mức lãi suất cao hơn nếu tự huy động qua kênh TPDN và nguồn tín dụng hoàn toàn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là điều không tốt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Như vậy, cần có cơ chế và giải pháp thông thoáng để doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, vốn chiếm tới khoảng 98% tổng số lượng doanh nghiệp, có thể tự phát hành TPDN.

Một là, cần ứng dụng công nghệ, giảm thiểu chi phí cho khâu phát hành TPDN, song song với việc mở rộng tính minh bạch của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua đánh giá, xếp hạng tín nhiệm.

Hai là, nên cân nhắc hình thành một thị trường TPDN dưới chuẩn, tương tự sàn UpCom của cổ phiếu. Những trái phiếu giao dịch trên thị trường này có độ rủi ro cao hơn, lãi suất cao hơn và có thể yêu cầu cả về mặt chuyên môn với nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia thị trường.

KTSG: Việt Nam đã đặt mục tiêu quy mô thị trường TPDN bằng khoảng 25% GDP vào năm 2030. Theo ước tính của VIS Rating, muốn vậy trung bình mỗi năm lượng phát hành sơ cấp phải trên 800.000 tỉ đồng. Kể cả khi thị trường thật sự phục hồi, theo ông, đạt được mục tiêu này có đơn giản? Xin ông gợi ý một vài giải pháp.

- Tăng lượng phát hành lên vài trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm không phải là một mục tiêu quá sức. Điều này phụ thuộc vào các giải pháp trong thời gian tới.

Theo tôi, nên tập trung vào hai giải pháp chính. Thứ nhất, phải chú trọng hơn vào việc “giáo dục” thị trường, thông tin, hướng dẫn cho người dân biết về TPDN, cách thức đầu tư an toàn, hiệu quả để tăng số lượng nhà đầu tư F0 và kéo dài thời gian tham gia thị trường của họ, giúp họ tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trở thành những nhà đầu tư có năng lực hơn. Khi cơ cấu thị trường TPDN nhiều nhà đầu tư F1, F2 như vậy, chất lượng thị trường sẽ gia tăng, kéo theo chất lượng của những cá nhân, tổ chức muốn tham gia giao dịch, phát hành TPDN. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn, đào tạo cho nhà đầu tư, đồng thời xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông phổ cập kiến thức chứng khoán cho người dân.

Thứ hai, phải đa dạng được sản phẩm trên thị trường TPDN, không chỉ là doanh nghiệp bất động sản hay ngân hàng thương mại mà còn phải lôi kéo được sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp sản xuất, thậm chí doanh nghiệp FDI. Cùng với đó, tạo dựng các điều kiện để TPDN có thể niêm yết chéo trên các thị trường khác nhau, trước mắt là nhóm các nước phát triển ở Đông Nam Á hay toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Như vậy, thị trường sẽ sôi động hơn, tính thanh khoản sẽ tốt hơn nhiều so với hiện tại.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới