(KTSG Online) - Ông Donald Trump một lần nữa sẽ bước vào Nhà Trắng để điều hành nền kinh tế Mỹ với kế hoạch hướng đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh sự lo ngại vẫn có ý kiến nhận định lời đe dọa tăng thuế chỉ là “quân bài mặc cả”.
Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Âu và châu Á đang mổ xẻ các tác động có thể xảy ra khi ông Trump thực hiện các chính sách kinh tế đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, đáng chú ý nhất là tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tất cả các nước.
- Bầu cử Mỹ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế các nước châu Á?
- Kết quả bầu cử Mỹ có tác động gì đến xuất khẩu của Việt Nam?
Kinh tế châu Âu đối mặt rủi ro
Các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Âu, dẫn đầu là Đức, đứng trước các rủi ro lớn từ những tuyên bố trước đây của ông Donald Trump rằng, ông sẽ thắt chặt các hạn chế thương mại và nới lỏng quan hệ an ninh với các đồng minh của Mỹ.
Moritz Schularick, Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới Kiel, mô tả nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ là thời kỳ kinh tế khó khăn nhất trong lịch sử thời hậu chiến của Đức. Ông nhận thấy, Đức chưa chuẩn bị để đối phó với những thách thức cả về chính sách an ninh và thương mại nước ngoài mà nước này sẽ sớm đối mặt.
Nếu ông Trump thực hiện kế hoạch áp thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 10- 20% đối với các nhà xuất khẩu ở tất cả các nước khác thì sẽ làm tăng rủi ro các biện pháp “ăn miếng trả miếng”, có thể đe dọa thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều tháng nữa, các chi tiết về chính sách thương mại của Trump mới được công bố.
Theo Hildegard Müller, Chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Đức, áp lực lên các hãng xe trong nước về việc chuyển sản xuất từ châu Âu sang Mỹ sẽ rất lớn.
Michael Hüther, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Cologne cũng cảnh báo, doanh nghiệp Đức nên “chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại tốn kém kể từ hôm nay”.
Toàn bộ châu Âu dường như rất dễ bị tổn thương, với việc Mỹ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái, theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat). Với kim ngạch 502 tỉ euro, xuất khẩu của EU vào Mỹ lớn hơn 46% so với nhập khẩu hàng hóa của Mỹ vào khối này.
Các nhà kinh tế của ngân hàng ABN Amro cảnh báo, thuế quan mới dưới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu vốn đang đối mặt với rủi ro tăng trưởng suy giảm, trong khi lạm phát đang tăng trở lại.
IMF: Chính sách của ông Trump sẽ gây tổn thất cho GDP toàn cầu
Phân tích của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong tháng trước chỉ ra rằng, tác động kinh tế sẽ lớn hơn nếu các mức thuế cao hơn của ông Trump nhắm vào một “phần lớn” thương mại toàn cầu.
IMF cho biết, trong bối cảnh lãi suất trên toàn cầu vẫn còn ở mức cao, chính sách thuế nhập khẩu mới và phần còn lại trong chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump gồm các quy định siết chặt nhập cư, gia hạn cắt giảm thuế sẽ làm tổn thất 0,8% GDP toàn cầu trong năm tới và 1,3% vào năm 2026.
Krishna Guha, Phó Chủ tịch Công ty tư vấn Evercore ISI dự báo, cú sốc vĩ mô từ các chính sách kinh tế mới của Trump sẽ gây những tác động trái ngược với nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, Mỹ sẽ trải qua thời kỳ lạm phát và mức tăng trưởng cao hơn, nhưng các nước khác sẽ chứng kiến lạm phát và sản lượng kinh tế suy giảm.
Peter Sand, nhà phân tích của nền tảng phân tích cước vận tải biển và hàng không Xeneta, dự đoán, giá cước vận tải biển sẽ tăng vọt khi các công ty đổ xô gửi hàng sang Mỹ trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20-1-2025.
“Phản ứng tức thời từ các chủ hàng ở Mỹ sẽ là nhập khẩu hàng trước khi Trump có thể áp đặt mức thuế mới cao hơn. Đối với họ, nếu có không gian nhà kho và hàng hóa để vận chuyển, nhập khẩu trước là cách đơn giản nhất để quản lý rủi ro này trong ngắn hạn”, Sand nói.
Trong một dấu hiệu cho thấy áp lực dài hạn từ việc chính quyền mới sắp tới của Mỹ nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ, cổ phiếu của các hãng vận tải biển toàn cầu lao dốc trong phiên giao dịch hôm 6-11. Cổ phiếu của Maersk, tập đoàn vận chuyển container lớn thứ hai thế giới, giảm giá đến 8%.
Lời đe dọa tăng thuế chỉ là “quân bài mặc cả”?
Tại châu Á, các nhà xuất khẩu sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại cao hơn từ Mỹ. Nền kinh tế đang trì trệ của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu ông Trump triển khai kế hoạch áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nước này.
Các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup nhận định, lời đe dọa áp thuế 60% nhằm vào hàng hóa Trung Quốc giống như một “quân bài mặc cả thương mại” hơn là một rủi ro thực sự.
Mexico, nước đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, cũng dễ bị tổn thương bất chấp thỏa thuận thương mại tự do được ký kết với Mỹ và Canada trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng hóa từ Mexico, bao gồm mức thuế 200% đối với ô tô nhập khẩu trừ khi nước láng giềng phía nam hạn chế dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ thông qua qua biên giới của hai nước.
Hãng xe Honda của Nhật Bản lưu ý, tác động sẽ cực kỳ lớn đối với hoạt động xuất khẩu xe từ các nhà máy của hãng này đặt ở Mexico nếu ông Trump thực hiện đúng cam kết đó.
Đối với các đối tác thương mại của Mỹ, viễn cảnh trước mắt là tình trạng bất ổn tăng cao kéo dài khi nền kinh tế lớn nhất thế giới trải qua sự thay đổi chính quyền mang tính lịch sử.
“Ông Trump vẫn là người khó đoán và thất thường. Do đó, chúng tôi thực sự không thể đánh giá được ông có thực hiện những cam kết thường hoành tráng và không phải lúc nào cũng nhất quán trong chiến dịch tranh cử hay không”, Holger Schmieding, nhà kinh tế của ngân hàng Berenberg nói.
Theo Financial Times