(KTSG Online) - Sáng nay (27-11), Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Theo đó, Quốc hội quyết nghị tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu là 122.250 tỉ đồng.
- Quỹ bảo tồn di sản văn hóa nhìn từ cố đô Huế
- Trình Quốc hội chương trình phát triển văn hóa trị giá hơn 256.000 tỉ đồng
Thông tin từ Baochinhphu.vn, trong tổng số vốn trên, vốn ngân sách Trung ương là 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%), vốn ngân sách địa phương 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%) và nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).
Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam. Mục tiêu tổng quát của chương trình là tạo sự chuyển biến trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư…
Đặc biệt, một trong những cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình là thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Ngoài ra, Chính phủ cần lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh lãng phí.
Không có giáo dục tốt thì sẽ không gìn giữ được văn hóa bền vững. Vậy nên đề nghị cân đối ít nhất 50% nguồn lực của 122 ngàn tỷ đồng này dành riêng cho giáo dục đào tạo và phát triển nhân lực. Khi đó không còn lo nghĩ nhiều về chuyện thiếu trường, vắng lớp, thầy không ra thầy, trò chẳng phải là trò… nữa ?