(KTSG Online) - Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo áp mức thuế chống bán phá giá sơ bộ dao động từ 21% đến 217% đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ bốn nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, mức áp dụng với Việt Nam là từ 53,3%, có những công ty phải chịu mức thuế 271,28%
Quyết định này được đưa ra sau khi cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kết luận ban đầu rằng, các nhà sản xuất ở bốn nước này, phần lớn là các công ty Trung Quốc đầu tư, ồ ạt bán pin mặt trời vào Mỹ ở mức giá thấp hơn chi phí sản xuất.
- Ngành pin mặt trời Đông Nam Á đối mặt thuế phạt của Mỹ
- Vốn ngoại ồ ạt ‘rót’ vào tấm pin năng lượng mặt trời và những tác động trái chiều
Thông báo của DOC, công bố hôm 29-11, cho biết, mức thuế chống bán phá giá 21,31% sẽ áp dụng đối với sản phẩm tấm pin mặt trời của Jinko Solar Technology (Trung Quốc) sản xuất ở Malaysia. Các nhà cung cấp pin mặt trời khác ở Malaysia chịu mức thuế 81,24%.
Pin mặt trời từ nhiều nhà xuất khẩu tại Việt Nam, bao gồm JA Solar Vietnam, Jinko Solar (Vietnam) Industries, Boviet Solar Technology và Trina Solar Energy Development Company, chịu mức thuế từ 53,3% đến 56,51%. Các nhà xuất khẩu pin mặt trời còn lại của Việt Nam chịu mức thuế 271,28%. Pin mặt trời từ Campuchia đối mặt mức thuế 117,12%, trong khi đó, mức thuế áp vào pin mặt trời từ Thái Lan dao động từ 77,85-154,68%.
Đây chỉ là các mức thuế sơ bộ và mức thuế cuối cùng, có thể tăng, giảm so với mức ban đầu hoặc được hủy bỏ, sẽ được DOC đưa vào ngày 18-4-2025. Trước mắt, các nhà xuất khẩu pin mặt trời của Đông Nam Á phải đặt cọc tiền thuế chống bán phá giá khi bán sản phẩm sang Mỹ.
Hồi đầu tháng Mười, trong một cuộc điều tra khác, DOC cũng đã áp thuế chống trợ cấp sơ bộ dao động từ 2,85% đến 23,06% đối với pin mặt trời từ Việt Nam, Campuchia, Malayasia và Thái Lan.
Cuộc điều tra chống bán phá giá của DOC được tiến hành sau đơn khiếu nại hồi tháng Tư của Ủy ban Thương mại sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ, đại diện cho các công ty bao gồm First Solarm Hanwha Qcells USA và Mission Solar Energy.
Cuộc điều tra này đại diện cho nỗ lực mới nhất của các nhà sản xuất pin mặt trời của Mỹ nhằm chống lại sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài. Sau khi thuế chống bán phá giá được Mỹ áp dụng đối với pin mặt trời từ Trung Quốc cách đây khoảng 12 năm, các nhà sản xuất Trung Quốc đã đối phó bằng cách đặt nhà máy sản xuất tại các nước Đông Nam Á vốn không bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Theo Cục Quản lý thương mại quốc tế thuộc DOC, bán phá giá xảy ra khi một công ty bán sản phẩm vào Mỹ với giá thấp hơn chi phí sản xuất hoặc thấp hơn giá bán ở nước xuất đi.
“Với những mức thuế sơ bộ này, chúng ta đang tiến gần hơn đến việc giải quyết tình trạng thương mại bất công kéo dài nhiều năm và bảo vệ hàng tỉ đô la đầu tư vào chuỗi cung ứng và sản xuất năng lượng mặt trời mới của Mỹ”, Tim Brightbill, đối tác của hãng luật Wiley Rein và là luật sư chính của những nhà sản xuất pin mặt trời ở Mỹ.
Hầu hết tấm pin mặt trời được lắp đặt tại Mỹ đều được sản xuất ở nước ngoài. Khoảng 80% lượng pin mặt trời nhập khẩu vào Mỹ đến từ bốn nước Đông Nam Á bị Bộ Thương mại nhắm mục tiêu trong cuộc điều tra.
Trong năm nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng báo động về khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào năng lực sản xuất hàng hóa năng lượng sạch. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), được ông ký ban hành năm 2022, bao gồm các ưu đãi hào phóng dành cho các công ty sản xuất thiết bị năng lượng sạch tại Mỹ. Đạo luật này đã thúc đẩy một loạt dự án xây dựng nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Mỹ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ trích các ưu đãi của IRA quá tốn kém nhưng ông cũng có kế hoạch áp thuế quan cao đối với hàng hóa trong một loạt các lĩnh vực để bảo vệ việc làm ở Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phát triển năng lượng tái tạo ở Mỹ phản đối thuế chống bán phá nhằm vào tấm pin mặt trời. Họ cho rằng, thuế quan mang lại lợi thế không công bằng cho những nhà sản xuất tấm pin mặt trời đang hoạt động tại Mỹ, trong khi làm tăng chi phí cho các dự án điện mặt trời.
Theo Bloomberg, Reuters