Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cà phê sạch, giá bình dân đã nuôi dưỡng nên thương hiệu chuỗi Milano

Thu Trà lược ghi

-

(KTSG Online) - Sau 13 năm phát triển, Milano Coffee đã trở thành chuỗi cà phê sở hữu hơn 2.000 cửa hàng, phủ sóng khắp cả nước. Ba yếu tố giúp Milano đạt được thành quả hôm nay là giữ chất lượng cà phê đồng đều, mô hình nhượng quyền giá cả phải chăng và sự đồng hành sát sao giúp nhiều người nhận nhượng quyền thực hiện giấc mơ kinh doanh.

Theo một báo cáo gần đây của Mibrand Việt Nam  (thuộc Media Venture Vietnam - MVV Group), cả nước hiện có hơn 500.000 quán cà phê lớn nhỏ. Doanh thu ước tính đạt 11.500 tỉ đồng trong năm 2023 và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 7,56%.

Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 của iPOS.vn cho thấy, thị hiếu người tiêu dùng cà phê Việt đang dịch chuyển về phân khúc giá trung bình với mức giá từ 41.000 đến 71.000 đồng/ly. Trong khi đó, phân khúc cao cấp đang gặp phải thách thức khi tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly giảm từ 6% xuống còn 1,7% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh thị trường như vậy, Milano là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc cung cấp cà phê sạch, không pha lẫn bắp rang, đậu nành, hóa chất… mà giá cả lại bình dân.

Chia sẻ trong buổi trò chuyện với KTSG Online, ông Nguyễn Bá Đạt, Giám đốc điều hành Milano Coffee, cho biết ông Lê Minh Cường, người sáng lập chuỗi cà phê Milano đặt chân vào sự thị trường cà phê Việt Nam vào năm 1996, bắt đầu từ việc rang xay và phân phối cà phê. Doanh nhân này có niềm đam mê với việc tạo ra ly cà phê sạch và mang chất riêng của bản thân.

Nhờ vậy, ông Cường đã tìm tòi, nghiên cứu và cho ra công thức rang xay cà phê ngon, nguyên chất và sạch, với mục đích để khách hàng có thể thưởng thức một ly cà phê thơm ngon, chất lượng với giá bình dân.

Doanh nhân này đã tìm ra công thức rang xay cà phê mà ông cho là ngon nhất và giao cho những cửa hàng ở khu vực TPHCM.

Tuy nhiên, do một số chủ quán chạy theo lợi nhuận nên cà phê đến với người dùng cuối không như cách mà ông Cường mong muốn. Vì vậy, doanh nhân này đã quyết định “hát bài hát của riêng mình”, tự mở quán, phục vụ khách hàng bằng những hạt cà phê được chính tay ông rang xay và pha chế. Có lẽ, chính phương châm phục vụ khách hàng bằng những hạt cà phê sạch đã nuôi dưỡng nên một thương hiệu Milano được như ngày hôm nay.

Cà phê dùng cho toàn chuỗi được sản xuất tại Nhà máy sản xuất Milano Coffee đặt tại Củ Chi. Diện tích khuôn viên nhà máy hơn 6.000 m2 có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP và FSSC 22000. Năng lực sản xuất là 1.500 tấn/năm, đáp ứng được nhu cầu cho hơn 2.000 đại lý nhượng quyền và phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, nhà máy cũng sản xuất theo yêu cầu cho các đối tác lớn trong và ngoài nước.

Chia sẻ về mức giá bình dân, ông Đạt cho hay, xuất phát từ văn hóa khởi đầu ngày mới bên ly cà phê của người lao động nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, quán cà phê bình dân và mang nét truyền thống của những cửa hàng cà phê "cóc” được hình thành. Có lẽ, nhà sáng lập mang theo đam mê và mong muốn cho bất cứ ai, đặc biệt là những người lao động có mức thu nhập thấp vẫn có thể thưởng thức được một tách cà phê ngon nhưng vừa túi tiền.

 

Về việc hình thành chuỗi cà phê, doanh nhân này cho rằng, không hẳn là một sự lựa chọn, mọi thứ đều tự nhiên mà đến.

Năm 2014, khi đang sỡ hữu trong tay 50 quán cà phê, một người đã đưa ra lời đề nghị được nhượng quyền thương hiệu ở Đà Lạt. Bốn năm sau, Milano đã vượt hơn con số 1.000 cửa hàng trên cả nước.

Trái ngược với hình ảnh những quán cà phê vỉa hè truyền thống, chuỗi nhượng quyền này định vị thương hiệu bằng chất lượng dịch vụ sạch sẽ, thoải mái và lịch sự. Đây chính là yếu tố khiến khách hàng tìm đến Milano bên cạnh chất lượng cà phê.

Tiếp nối dòng chảy đó, những quán mang thương hiệu Milano tiếp tục được nhân bản. Điều kiện để những ai tìm đến mở quán là chỉ cần giữ lại bảng hiệu Milano và cà phê phải mang hương vị của chính chủ. Những thứ còn lại từ bí quyết, công thức pha chế… ông Cường đều tận tâm chia sẻ, vì đam mê và không vụ lợi. Đến nay, Milano Coffee đã có mặt ở 58 tỉnh thành, với hơn 2.000 cửa hàng trên khắp cả nước.

Trong hành trình 13 năm, cũng giống như bao nhiêu chuỗi thương hiệu khác, Milano cũng gặp không ít khó khăn.

Đầu tiên, khi là một chuỗi thương hiệu nhượng quyền, đồng nghĩa với việc đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng là không bao giờ dễ dàng. Đã có không ít đại lý vì chạy theo lợi nhuận mà không tuân thủ nguyên tắc pha chế ban đầu. Đơn cử, đã xảy ra các trường hợp các cửa hàng pha trộn thêm các thành phần khác vào cà phê hoặc lấy cà phê từ một đơn vị cung cấp khác. Đó là còn chưa kể đến việc, có một số người đã mở những quán cà phê Milano "fake”, cạnh tranh không lành mạnh với cửa hàng thật...

Cà phê Milano có chất lượng ổn định, đồng nhất ở tất cả các quán trong chuỗi. Lý do là vì cà phê được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ và đạt chứng nhận organic của Mỹ, Châu Âu, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Những hạt chín cây có tỷ lệ cao nhất gần 100% được chọn lọc và sản xuất theo quy trình khép kín, bền vững.

Kế đến, “lạt mềm buộc chặt” là chiến lược mà người sáng lập chuỗi thương hiệu này ưu tiên áp dụng. Doanh nhân này muốn “buộc chặt” khách hàng bằng chính chất lượng của từng hạt cà phê vì bất kỳ đại lý nhượng quyền nào cũng phải kinh doanh dựa trên nguyên liệu được sản xuất từ Milano. Nếu một đại lý làm khác đi, họ không thể tồn tại lâu dài được, ông Đạt cho hay.

Một ví dụ khác về sự đồng nhất, đó chính là đồng nhất trong hương vị thức uống. Trong số vô vàn những thương hiệu cà phê lớn nhỏ khác nhau, hầu hết những ai đã thưởng thức qua cà phê đá, cà phê sữa của Milano đều có thể phân biệt được ngay với sản phẩm từ những thương hiệu khác. "Khi đi công tác hoặc du lịch, tôi chỉ ráng tìm những quán Milano để thử xem chất lượng có đồng nhất hay không”, ông Đạt nói.

Kể từ khi có những cửa hàng nhượng quyền đầu tiên, Milano luôn đồng hành và hỗ trợ chủ quán.

Thấu hiếu được bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, các gói nhượng quyền của Milano có giá khá mềm, thấp nhất là 71,5 triệu. Đây là mức mà một người mới bắt tay vào kinh doanh và còn hạn chế về tài chính có thể lựa chọn để khởi nghiệp.

Thêm vào đó, khác với những chuỗi nhượng quyền khác là đối tác của Milano chỉ mất phí nhượng quyền và chi phí đầu tư máy móc, thiết bị… ban đầu. Các đại lý sẽ không phải chi trả thêm phí quản lý, không bị trích lợi nhuận và áp doanh thu. Điều này không chỉ xuất phát từ việc doanh nhân này muốn chia sẻ với những người có cùng niềm đam mê cà phê mà còn từ mục đích kinh doanh. Khi các đại lý ăn nên làm ra, phía công ty cũng được hưởng lợi từ việc cung cấp cà phê cho cửa hàng.

Hiện nay, chuỗi cà phê này chưa thực hiện mô hình cao cấp hơn với những sản phẩm hiện đại hơn như latte hay cappuccino để phục vụ nhu cầu mới của khách hàng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Milano sẽ có những mô hình mới, những sản phẩm mới… để mở rộng phân khúc khách hàng.

Hy vọng, cùng với kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành cà phê, tâm huyết với nghề và khả năng đổi mới, chuỗi cà phê này sẽ có một hành trình mới trên thị trường đầy sôi động ở Việt Nam.

TÁC GIẢ: TRÚC NHÃ, TRÌNH BÀY: THU TRANG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây