Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cắt giảm vốn ở dự án chậm triển khai để bổ sung vào dự án quan trọng

Thùy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình vừa ký quyết định, yêu cầu rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án chậm triển khai để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và có nhu cầu bổ sung vốn, ưu tiên bố trí vốn cho những dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc.

Phó thủ tướng yêu cầu Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2025 bảo đảm dứt khoát không dàn trải. Ảnh: LÊ VŨ

Theo Baochinhphu.vn, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1508/QĐ-TTg giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025, giao dự toán, kế hoạch đầu tư công từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương.

Theo quyết định này, Phó thủ tướng yêu cầu Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2025 bảo đảm dứt khoát không dàn trải, không để xảy ra tiêu cực, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Cùng với đó là rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án chậm triển khai để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và có nhu cầu bổ sung vốn. Những dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có khả năng hấp thụ vốn sẽ được ưu tiên bố trí vốn. Nội dung này gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và báo cáo kết quả phân bổ, điều chỉnh trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công ngay khi có quyết định điều chỉnh vốn giữa các dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án.

Cơ quan chức năng kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, làm việc cầm chừng, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao; đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.

Baochinhphu.vn đưa tin, theo Bộ Tài Chính, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý là hơn 161.500 tỉ đồng, chiếm 23,8% tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tính đến hết tháng 11-2024, các dự án đã được giải ngân khoảng 82.300 tỉ đồng, đạt 50,9% kế hoạch năm, thấp hơn ước tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (60,43%).

Cụ thể, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải được giải ngân khoảng 69.200 tỉ đồng, đạt 53,4% kế hoạch. Các dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý giải ngân khoảng 13.100 tỉ đồng, đạt 41% kế hoạch.

Các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển tại 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 (Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 8-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ) giải ngân 2.622 tỉ đồng, đạt 65,57% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao.

1 BÌNH LUẬN

  1. Rất đúng. Nhưng quyết định quá chậm. Thậm chí, những địa phương/ đơn vị để đọng vốn, kẹt dự án quá dài, trả lại vốn… ngoài việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân lãnh đạo điều hành, cần phải cắt giảm ngân sách đầu tư công tương ứng cho các kỳ tiếp theo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới