(KTSG Online) - "Tây Ninh nên tập trung làm cao tốc và tàu điện kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm TPHCM, chứ xây sân bay làm gì khi khoảng cách quá ngắn nối Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành". Đó chỉ là một ý kiến trong gần cả trăm bình luận khen - chê, nên - không nên, sau khi báo VnExpress đăng tin “Tây Ninh đề xuất xây sân bay”(*) hôm qua, 25-12-2024.
Mà không chỉ lần này, khi Lào Cai, Quảng Trị hay một địa phương nào đó đề xuất xây dựng sân bay thì y như rằng, dư luận chê nhiều hơn khen và hay hướng tới suy nghĩ mang tính tiêu cực trong đầu tư là “rồi tỉnh nào cũng có sân bay, tỉnh nào cũng có cảng biển”.
- Cần hơn 420.000 tỉ đồng đầu tư sân bay, ưu tiên nguồn vốn PPP
- Cần hơn 3.000 tỉ đồng đầu tư, cải tạo sân bay Phù Cát
- Đầu tư sân bay Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư
Tây Ninh là tỉnh giáp biên giới Campuchia. Quốc gia này có dân số 17 triệu người, tức chỉ chừng 17% so với dân số Việt Nam còn diện tích thì khoảng một nửa Việt Nam. Thế nhưng, khi tìm kiếm trên Google, người viết thấy Campuchia có 17 sân bay, chỉ ít hơn Việt Nam 5 sân bay.
Cạnh Campuchia là Thái Lan, cũng có dân số ít hơn Việt Nam (71/100 triệu dân) nhưng diện tích lớn hơn 1,5 lần so và có đến 30 sân bay. Malaysia có diện tích bằng Việt Nam, dân số chỉ bằng 1/3 nhưng có đến 62 sân bay.
Đó là so sánh trong khu vực ASEAN, nếu so với Hàn Quốc, nơi có diện tích bằng 1/3 và dân số bằng 1/2 Việt Nam nhưng xứ sở kim chi có 18 sân bay. Ở phương Tây, ví dụ như Tây Ban Nha, dân số chỉ bằng một nửa của Việt Nam nhưng số sân bay lại gấp đôi, tức 44 sân bay.
Giả sử những con số về dân số, diện tích, số sây bay trên mạng Google là đúng thì người viết bài này cho rằng, số lượng 22 sân bay của Việt Nam hiện nay là quá ít, không phải nhiều. Ngay cả khi “mỗi tỉnh có một sân bay” như lời dè bỉu lâu nay, 63 tỉnh, thành sẽ có 63 sân bay thì người viết cho rằng cũng không hẳn là quá nhiều nếu so với diện tích, dân số các nước trong khu vực hay các quốc gia phát triển ở châu Âu.
Thế nhưng, tại sao người dân hay có xu hướng dè bỉu, dùng những lời lẽ không mấy thiện cảm khi chính quyền các địa phương đề xuất trung ương xây sân bay với những "lý do thuyết phục” là để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng?
Trong tin “Tây Ninh đề xuất xây sân bay”, được đề cập ở phần đầu, ở giai đoạn 1, sân bay này cần vốn đầu tư lên đến 4.700 tỉ đồng. Khoảng mười năm về trước, các địa phương khi đề xuất xây dựng sân bay thì vốn đầu tư gần hoàn toàn từ ngân sách. Nếu mười tỉnh đề xuất xây mười sân bay quy mô như tỉnh này, có nghĩa tiêu tốn ngân sách 47.000 tỉ đồng, tức 2 tỉ đô la theo thời giá hiện nay. Việc địa phương nào cũng bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước thì việc người dân dè bỉu, chọc ngoáy là đương nhiên.
Vài năm gần đây, dường như các địa phương đã rút kinh nghiệm, nên trong đề xuất thường chỉ đề cập, vốn ngân sách nhà nước "làm mồi" với khoảng 15-20% còn lại là mời gọi đầu tư tư nhân, gọi là “đối tác công tư”. Hiện có hai sân bay đã và đang làm theo cách này là Vân Đồn và Quảng Trị.
Một chuyên gia về lĩnh vực này nói với người viết rằng, không dễ dàng thu hút đầu tư tư nhân vào sân bay. Nhà đầu tư chỉ xuống tiền khi nhìn thấy tiềm năng, cơ hội. Trong khi đó, mong muốn xây sân bay của các địa phương có khi mang tính chủ quan nhiều hơn là yếu tố thị trường. Chuyên gia này lo ngại, một khi trung ương đã phê duyệt, địa phương lại tìm không ra nhà đầu tư, rồi thì văn bản “đá lên, đá xuống” và có thể cuối cùng lại đi đến dung hòa bằng giải pháp 100% vốn từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, vấn đề xây sân bay có bản chất sâu xa không hẳn là xây nhiều hay ít mà là vốn của ai. Nếu các địa phương chỉ đề xuất cho phép xây sân bay như Tây Ninh nhưng 100% vốn là của doanh nghiệp mà không hề trông chờ vào “bầu sữa” Nhà nước thì người viết tin chắc người dân không quan tâm nhiều lắm tới câu “mỗi tỉnh một sân bay”. Một khi doanh nghiệp bỏ số tiền hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng sân bay thì chắc chắn là đã đầu tư nghiên cứu, khảo sát thị trường, kết nối đối tác, khách hàng…
Rất tiếc, hiện nay, khi đề xuất xây sân bay, dù nói là mời nhà đầu tư nhưng ngân sách vẫn phải đối ứng 15-20%, có nghĩa cả ngàn tỉ đồng cho mỗi dự án sân bay nhỏ ở tỉnh. Càng nhiều địa phương muốn đầu tư theo kiểu này thì tiêu tốn ngân sách cực kỳ lớn trong khi đó, rất nhiều mảng đầu tư hạ tầng giao thông khác như đường sắt cao tốc, metro đang cần vốn ngân sách.
Mỗi tỉnh ở Việt Nam có một sân bay, chẳng sao cả, tốt thôi! Thế nhưng, hãy để doanh nghiệp nghiên cứu và đầu tư trên cơ sở quy hoạch hạ tầng hàng không của Chính phủ, đừng đụng đến ngân sách nhà nước. Còn nếu xây sân bay từ ngân sách nhà nước thì hiện cả nước có 22 sân bay là đã quá nhiều.
(*) https://vnexpress.net/tay-ninh-de-xuat-xay-san-bay-4831672.html
Tiền nhà nước, cũng như tiền doanh nghiệp. Đều là của dân, của nước. Phải cân nhắc, tính toán, sao cho hợp lý và hiệu quả. Làm sân bay, cốt chỉ để thỏa mãn sĩ diện, quanh quẩn lèo tèo vài chuyến/ tuần – tháng… chắc chết cả nút ! Tâm và tầm của lãnh đạo là phải nhìn xa trông rộng, hài hòa địa phương – trung ương… Như thế mới là hồng phúc cho đất nước phát triển.
Cả nước có 21 sân bay. Bao năm nay quanh đi quẩn lại chỉ có 4 sân bay lãi (Nội bài/ Tân sơn nhất/ Đà Nẵng/ Cam ranh). Tỷ lệ 19%. Như thế đã hiệu quả đầu tư kinh doanh thế nào rồi. Bỏ thì thương, vương thì tội. Trước khi tính đến chuyện mở rộng thêm, cần phải nghiêm túc làm rõ câu chuyện này. Tuyệt đối không thể để ngân sách gánh vác mãi một gánh nợ khổng lồ ?
Tư duy hệ thống không thể tồn tại trong một không gian địa lý bị chia cắt/ phân tán quá nhiều. Điều này dẫn đến thực tế là tư tưởng cục bộ địa phương luôn lấn át tư duy toàn cục/ đồng bộ. Rất khó để tạo nên sự thống nhất trong điều hành, trừ phi có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế quản lý hành chính.
Bài viết thảo luận hay về vấn đề xây dựng sân bay tại các tỉnh của Việt Nam, đặc biệt là đề xuất xây sân bay tại Tây Ninh. Tôi cho rằng sự phản đối của dư luận đối với việc xây dựng sân bay có thể đến từ việc sử dụng ngân sách nhà nước không hợp lý, trong khi nhiều địa phương mời gọi vốn đầu tư tư nhân chưa hiệu quả. Vấn đề then chốt không phải là có quá nhiều hay quá ít sân bay, mà là phải quy hoạch hạ tầng hàng không một cách hợp lý và để các doanh nghiệp tự đầu tư mà không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Để thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng hàng không một cách hiệu quả, có thể thực hiện các biện pháp sau:
Nâng cao tiềm năng thị trường: Cần có nghiên cứu và khảo sát thị trường kỹ lưỡng để xác định nhu cầu thực tế về hạ tầng hàng không. Điều này giúp các nhà đầu tư thấy được cơ hội và tiềm năng lợi nhuận.
Quy hoạch hạ tầng đồng bộ: Chính phủ cần quy hoạch hạ tầng hàng không một cách hợp lý, đảm bảo rằng các sân bay được xây dựng có thể kết nối hiệu quả với các phương tiện giao thông khác như đường bộ và đường sắt.
Giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước: Các dự án sân bay nên được thiết kế để giảm thiểu sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Cần khuyến khích các địa phương chỉ sử dụng ngân sách nhà nước như một phần nhỏ (15-20%) trong tổng vốn đầu tư, trong khi phần lớn còn lại được huy động từ nguồn vốn tư nhân.
Cung cấp chính sách ưu đãi: Chính phủ có thể đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các điều kiện thuận lợi khác để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng hàng không.
Tạo môi trường đầu tư minh bạch: Cần có một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch để các nhà đầu tư cảm thấy an tâm khi bỏ vốn vào các dự án sân bay. Điều này bao gồm việc đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Khuyến khích hợp tác công tư (PPP): Mô hình đối tác công tư có thể được áp dụng để chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án hạ tầng hàng không.
Tăng cường truyền thông và quảng bá: Cần có các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về lợi ích của việc đầu tư vào hạ tầng hàng không, không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn cho cộng đồng và chính quyền địa phương.
Bằng cách thực hiện những biện pháp này, Việt Nam có thể tạo ra một môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng hàng không, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này.
Nhiều sân bay đang có thì ế lên ế xuống, không đủ khả năng trả tiền lương cho nhân viên. Nếu không có ngân sách địa phương hỗ trợ, thu không đủ chi cho tỷ tỷ công việc như bảo trì, an ninh sân bay… trong đó có tiền lương.