Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trách nhiệm về an toàn thực phẩm đâu thể ngắt khúc như cọng giá?

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất giá đậu xanh nhưng lại có giấy chứng nhận “đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Cơ quan cấp phép biện minh, trách nhiệm kiểm tra thuộc về ngành y tế và công thương. Liệu lý giải này có đúng theo quy định của Luật An toàn thực phẩm?

Cuối tuần qua, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đậu xanh dùng hóa chất 6-benzylaminopurine bị cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và dị tật nghiêm trọng cho bào thai.

Vấn đề là trong 6 cơ sở này lại có một cơ sở được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cấp giấy chứng nhận “đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Chi cục này đã xác nhận với báo chí, giấy chứng nhận cấp cho cơ sở Lâm Đạo (trụ sở xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột) đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh, có hiệu lực từ ngày 22-4-2024 đến 22-4-2027.

Theo lý giải của vị lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đắk Lắk thì việc cấp phép của đơn vị này không liên quan đến trách nhiệm kiểm tra sản phẩm có an toàn thực phẩm hay không. Xin trích nguyên văn phần trả lời trên báo chí như sau: “Trong khi từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói trách nhiệm của ngành nông nghiệp còn hàng hóa bán ra thị trường lại thuộc trách nhiệm kiểm tra của ngành y tế; khi sản phẩm bày bán ở cửa hàng, siêu thị trách nhiệm kiểm tra của ngành công thương”(*).

Cách lý giải này hoàn toàn không hợp lý, bởi lẽ, chiếu theo định nghĩa của Luật An toàn thực phẩm thì cơ sở sản xuất thực phẩm phải chịu trách nhiệm từ khâu trồng trọt đến đóng gói, bảo quản sản phẩm của họ.

Bởi lẽ, đối với cơ sở sản xuất giá đậu xanh, trách nhiệm của họ được thể hiện rõ tại Điều 2 của Luật An toàn thực phẩm định nghĩa thuật ngữ Sản xuất thực phẩm là “việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm” và An toàn thực phẩm là “việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người”.

Còn về trách nhiệm của cơ quan cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì sao?

Theo Luật An toàn thực phẩm thì Điều 34 quy định, cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Mà trong các điều kiện này, được quy định tại Điều 19 là “Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau” và “Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Như vậy, việc cơ quan cấp giấy chứng nhận cho rằng việc cấp giấy không liên quan đến trách nhiệm về chất lượng sản phẩm bán ra trên thị trường liệu có thoả đáng?

Đó là chưa kể, về mặt thông lệ xã hội, khi một cơ sở sản xuất thực phẩm được cấp giấy chứng nhận “đủ điều kiện an toàn thực phẩm” thì người dân chỉ có một cách hiểu: thực phẩm do cơ sở đó sản xuất là thực phẩm an toàn vì đã được cơ quan chức năng nhà nước kiểm tra và cấp phép, có thể yên tâm sử dụng.

Nếu người dân không căn cứ vào giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước cấp thì còn biết dựa vào cái gì để biết thực phẩm họ mua là an toàn?

Trách nhiệm với sức khoẻ người dân đâu thể nào ngắt khúc từng phần như ngắt cọng giá được?

---------------------------------------------
(*) https://tuoitre.vn/gia-ngam-chat-cam-duoc-cap-chung-nhan-du-dieu-kien-an-toan-thuc-pham-20241228142320799.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. An toàn thực phẩm, phải xét toàn diện cả một quá trình, chứ không chỉ thể hiện qua một vài biểu hiện vi phạm pháp luật trên thương trường hoặc trên bàn ăn, thức uống. Nếu không có một tổ chức có đầy đủ thẩm quyền và thực lực chuyên môn “đầu – cuối”, chịu trách nhiệm toàn diện về chuỗi sản xuất – kinh doanh – tiêu dùng (thực phẩm và dược phẩm), như mô hình FDA (Hoa Kỳ), thì khó có thể chuyên quản lĩnh vực vô cùng phức tạp này. Khi đã quyết tâm thì nên định hướng làm cho ra trò, đến nơi đến chốn. Đi từng bước vững chắc, từ thiết yếu đến trọng yếu, cuối cùng là tất yếu. Hiểu theo nghĩa, tất cả những gì phục vụ cho đời sống tâm thần và thể chất của con người đều phải được quan tâm đúng mức và đầy đủ. Thông điệp này nên được quán triệt sâu sắc, trước hết là những địa phương đang dự kiến thành lập Sở an toàn thực phẩm, cần cân nhắc đầy đủ trước khi ban hành quyết định. Nếu vẫn cứ tư duy theo kiểu cũ, tốt nhất nên dừng lại sớm.

  2. Cứ theo phương châm “Tự làm/ tự quyết/ tự chịu” mà triển khai. Mới đầu có thể chưa quen, chưa chuẩn. Nhưng về lâu dài, đâu sẽ vào đó thôi. Nếu cứ ngồi bàn mãi, không những mất thời gian, mà hậu quả gây ra cho dân cho nước ngày càng lớn, không gánh nổi ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới