Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Năm nhóm việc cần làm để phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung vào năm nhóm việc lớn. Một trong những nhóm việc cần làm là hoàn thiện hạ tầng pháp lý; có cơ chế ưu đãi theo hướng thông thoáng, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Các diễn giả, chuyên gia quốc tế đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ Việt Nam lựa chọn 2 thành phố Đà Nẵng và TPHCM để phát triển trung tâm tài chính. Trong ảnh là một góc TPHCM. Ảnh: TL

Ngày 16-1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì Hội thảo phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, TTXVN đưa tin.

Theo Phó thủ tướng, trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung vào 5 nhóm việc lớn. trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện hạ tầng pháp lý và cơ chế chính sách ưu đãi theo hướng thông thoáng, cởi mở, minh bạch và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về nhân lực, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần sớm đào tạo, cử chuyên gia đi học hỏi thực tiễn thế giới để đảm bảo cung cấp đủ đội ngũ các chuyên gia quản trị, vận hành, xử lý rủi ro, giải quyết tranh chấp trong các trung tâm tài chính. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ sinh thái hoàn thiện phục vụ các trung tâm tài chính.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo phải lựa chọn định hướng phát triển đúng đắn ngay từ đầu, phù hợp với điều kiện và định hướng của Việt Nam như phát triển Fintech (công nghệ tài chính), Blockchain (công nghệ chuỗi khối)…

Ông cũng đề nghị các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong kết nối, kêu gọi, thu hút đầu tư, sớm hình thành và phát triển các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia quốc tế đã phát biểu tham luận, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ Việt Nam lựa chọn 2 thành phố Đà Nẵng và TPHCM để phát triển trung tâm tài chính.

Về phía TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố là trung tâm dịch vụ tài chính số của Việt Nam, là thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính cùng với hệ sinh thái tài chính tập trung hơn 50% công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (Fintech). Thành phố cũng có lực lượng lao động, lập trình viên có trình độ với mức chi phí cạnh tranh so với các nước trong khu vực, có thể tạo được lợi thế và hình thành các sản phẩm đặc thù cho trung tâm tài chính quốc tế.

Với Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, mô hình trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ là một hệ sinh thái đa thành phần với các dịch vụ tài chính quốc tế (dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh); các dịch vụ Fintech và TechFin cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa… Để chuẩn bị cho trung tâm tài chính, thành phố cũng đã bố trí 2 quỹ đất sạch với diện tích lần lượt là 6,17 hecta và 9,7 hecta để thiết lập khu phức hợp, văn phòng, nghỉ dưỡng cao cấp và khu dịch vụ công nghệ tài chính.

1 BÌNH LUẬN

  1. Trung tâm Tài chính Đà Nẵng, ngoài mấy cái đã bàn, cần phục vụ cả vốn cho thúc đẩy Hành lang Kinh tế Đông – Tây, hình thành nhanh và mạnh chuỗi kinh tế “Đông Bắc Á – Vùng KTTĐ miền Trung – Nam Lào (cao nguyên Bolaven giàu tài nguyên) – Bangkok – cảng Dawei Myanmar (ra Ấn Độ Dương)”
    (Hành lang này rất pt cả tài chính xanh)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới