(KTSG Online) - Sáng nay (1-2), tức Mùng 4 Tết, dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua tỉnh Bình Dương với mức đầu tư khoảng 17.400 tỉ đồng, được khởi công sau khi hoàn tất các công tác chuẩn bị.
- Khởi công sáu dự án đường bộ cao tốc quy mô lớn trong năm 2025
- Dự án cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong thi công xuyên Tết
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài hơn 60km, tổng mức đầu tư hơn 20.800 tỉ đồng, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau.
TPHCM sẽ đầu tư 1,7km đường dẫn cao tốc, từ nút giao Gò Dưa đến đường ĐT743, Bình Dương, với vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng từ nguồn vốn công. TPHCM đang rà soát và bố trí nguồn vốn để thực hiện.
Tại Bình Dương, tuyến cao tốc này kéo dài hơn 52km, bao gồm 45,6km cao tốc mới và 6,5km đường dẫn giữ nguyên theo hiện trạng trùng với đường ĐT743. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 17.400 tỉ đồng. Bình Dương sẽ khởi công tuyến cao tốc vào hôm nay, thời gian thi công tối đa 36 tháng, có thể hoàn thành sớm hơn.
Tại Bình Phước, sẽ xây dựng 6,6km cao tốc từ giáp ranh với Bình Dương đến giao quốc lộ 14 thuộc thị xã Chơn Thành, có tổng vốn đầu tư công khoảng 1.474 tỉ đồng. Dự án đã động thổ vào tháng 12-2024 và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2024-2026.
Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ được đầu tư với 4 làn xe cao tốc và làn dừng xe khẩn cấp suốt tuyến. Theo kế hoạch, dự kiến tuyến cao tốc sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Tại Bình Dương, tổng chi phí xây lắp 8.833 tỉ đồng theo phương thức đối tác công - tư (PPP), chi phí giải phóng mặt bằng là 8.530 tỉ đồng được trung ương cấp 4.000 tỉ, còn lại do ngân sách Bình Dương đảm nhiệm.
Tại Bình Phước, chi phí xây dựng cao tốc có tổng vốn 1.474 tỉ đồng, vốn trung ương bố trí 1.000 tỉ đồng và ngân sách Bình Phước 474 tỉ đồng.
Tuyến cao tốc này kết nối từ Vành đai 3 TPHCM đến thị xã Chơn Thành, tạo động lực phát triển cho khu vực Đông Nam Bộ, mở rộng không gian đô thị và công nghiệp.
Khi tuyến cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa hoàn thành, hai tuyến sẽ kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đạt mục tiêu 5.000km đường cao tốc đề ra trong giai đoạn 2021-2030.