(KTSG Online) - Dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với mục tiêu kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng và liên vận với Trung Quốc sẽ đi qua 9 tỉnh, thành phố. Tổng mức đầu tư là 203.231 tỉ đồng cho chiều dài 391 km, được thực hiện dưới hình thức đầu tư công.
- Sẽ trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu khả thi đường sắt cao tốc Bắc – Nam vào quí 4-2026
- Lập Hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2024/12/l1-min-2.jpeg)
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, theo TTXVN.
Theo đó, dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai. Điểm cuối là tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng.
Đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có tuyến chính khoảng gần 391 km. Tuyến đường sắt sẽ làm khổ đường 1.435mm với tốc độ thiết kế từ 80-160 km/h tuỳ từng khu vực. Toàn tuyến dự kiến bố trí 18 ga gồm 3 ga lập tàu Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng và 15 ga hỗn hợp.
Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng mới sẽ vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tuyến đường sắt hiện hữu đảm nhận vận tải hành khách nội địa, du lịch chặng ngắn, vận chuyển một số chủng loại hàng hóa có sẵn chân hàng kết nối trực tiếp với tuyến đường sắt.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỉ đồng bằng hình thức đầu tư công. Nguồn vốn này bằng khoảng 45,5% GRDP của Hải Phòng trong năm 2024. Theo Cục thống kê Hải Phòng, tổng giá trị sản phẩm (GRDP) năm 2024 là ước đạt 445.995 tỉ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra dự kiến phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quí 3-2025; hoàn thành thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu một gói thầu xây lắp, khởi công dự án cuối năm 2025.
Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng được xây mới với mục tiêu kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận với Trung Quốc nhằm triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” và Kế hoạch hợp tác kết nối trong khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, giảm phát thải.
Với đoạn đi qua thành phố Hải Phòng, UBND thành phố Hải Phòng đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư nhánh Nam Đồ Sơn (12,7km) và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án đoạn qua địa bàn thành phố.