(KTG) - Chọn rời đi khỏi quê nhà vì mưu sinh hay bất kỳ lý do gì cũng không khỏi làm người ta phải băn khoăn và chạnh lòng. Phải chăng, một trong những lý do là môi trường và điều kiện tại các tỉnh chưa thật sự hấp dẫn để giữ chân người dân? Để rồi, họ, với phần đông là người trẻ, phải chọn rời quê hương và chỉ trở về vào các ngày nghỉ hay có dịp hiếu - hỷ của gia đình.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/Dekhongphairoiquevisinhke-copy.jpg)
Sau Tết, không ít người dân ở các tỉnh trở lại TPHCM để tiếp tục công việc mưu sinh. Hình ảnh xe cộ nối đuôi nhau tại các cửa ngõ thành phố hay cảnh người dân đông đúc tại các sân bay, nhà ga vào những ngày này là minh chứng sống động. Điều đó cho thấy, TPHCM hay rộng hơn là các đô thị lớn vẫn là vùng đất hứa của nhiều người, nơi có thể đáp ứng sinh kế, thắp lên hy vọng đổi đời và xa hơn là chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa.
Phải chăng, một trong những lý do là môi trường và điều kiện tại các tỉnh chưa thật sự hấp dẫn để giữ chân người dân? Để rồi, họ, với phần đông là người trẻ, phải chọn rời quê hương và chỉ trở về vào các ngày nghỉ hay có dịp hiếu - hỷ của gia đình.
Đô thị lớn là miền đất hứa
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các đô thị lớn như TPHCM hay rộng hơn là vùng Đông Nam bộ, nhất là đối với người trẻ. Với số lượng lớn doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở, nhà máy tại đây đã mang lại cơ hội việc làm với thu nhập tốt, hay chí ít cũng tốt hơn lao động phổ thông tại quê nhà. Đơn cử như TPHCM, hầu như luôn là đơn vị có nguồn thu ngân sách lớn và thường đóng góp khoảng 20% trong tổng thu ngân sách của cả nước. Số liệu thống kê cũng cho thấy, thu nhập bình quân của người lao động tại các tỉnh như TPHCM, Bình Dương hay Đồng Nai đều vượt xa so với mức bình quân của cả nước và phần lớn các tỉnh khác(*). Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà TPHCM, hay rộng hơn là vùng Đông Nam bộ, thường được đánh giá là nơi năng động và nhiều cơ hội.
Một yếu tố không kém phần quan trọng đó là môi trường cạnh tranh, nơi các kỹ năng nghề nghiệp của người lao động sẽ được mài giũa liên tục. Ở môi trường như vậy, người lao động phải học hỏi không ngừng để duy trì vị thế hay cụ thể hơn là giữ được công việc có thu nhập tốt. Đây cũng là một lý do mà người trẻ lựa chọn làm việc tại những đô thị lớn - nơi họ có thể thử sức, tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân. Không hiếm người trẻ đã chọn làm việc tại TPHCM chính vì cơ hội cọ xát và trưởng thành trong những môi trường đầy thử thách.
Sau cùng, đô thị lớn cũng là nơi có thể dễ dàng mở rộng mối quan hệ, kết nối với các chuyên gia và tìm kiếm đối tác làm ăn. Với môi trường năng động, hiện đại cùng với vô số doanh nghiệp đang giao thương mỗi ngày, vùng đất này chắc chắn hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội cho bất kỳ ai dám dấn thân.
Chừng đó lý do cũng đủ để người trẻ chọn TPHCM làm nơi bắt đầu sự nghiệp, hẳn như người ta ví von là “đất lành chim đậu”. Vì vậy, lên Sài Gòn học rồi ở lại làm việc, lập nghiệp tại mảnh đất này là lựa chọn của không ít người trẻ.
Khởi nghiệp tại địa phương, tại sao không?
Bên cạnh nhiều người lựa chọn các đô thị lớn làm nơi an cư lạc nghiệp, cũng có người lựa chọn trở về quê nhà, tựa vào những nguồn lực tại địa phương hay từ chính gia đình của mình để dựng nghiệp.
Cậu em họ của tôi, vốn là dân kỹ sư. Tốt nghiệp từ trường Đại học Bách Khoa, cậu cũng tìm kiếm việc làm tại một công ty Nhật có đặt văn phòng tại TPHCM. Nhưng thay vì chọn phát triển sự nghiệp tại đây, cậu tận dụng thời gian ở Sài Gòn để học hỏi và tìm kiếm cơ hội kinh doanh nông sản của mình tại quê nhà.
Bắt đầu từ vườn nhãn của gia đình tại hai cù lao miền Tây Nam bộ, kết hợp với hạt sen - vốn là đặc sản của xứ sở “Đất Sen hồng”, cậu cho ra đời sản phẩm nhãn ôm sen. Những trái nhãn tươi được bọc vào hạt sen và sấy khô, đóng hộp trở thành một món quà quê “organic”. Vị ngọt tự nhiên trong trái nhãn hòa quyện với vị bùi bùi của hạt sen tạo thành một sản phẩm mang hương vị quê nhà và có phần khác biệt giữa vô số thực phẩm công nghiệp hiện nay. Chừng đó là đủ để cậu đi chào hàng với bạn bè, đồng nghiệp và kiếm về những khoản tiền đầu tiên từ nông sản quê nhà. Từ đó, cậu còn ấp ủ biến vườn nhãn và ao sen ở quê nhà trở thành nơi tham quan du lịch, sẵn tiện giới thiệu đến du khách về đời sống tại mảnh đất Cù Lao, vốn là nơi cậu lớn lên và luôn mong muốn nơi này giàu đẹp.
Sản phẩm cũng như ý tưởng kinh doanh của cậu em họ tôi chắc chắn không xa lạ với nhiều người trẻ. Thực tế cũng có nhiều người đã làm thành công với cách như vậy. Điều đó cho thấy, điều kiện khách quan ở quê nhà vẫn hoàn toàn có thể là mảnh đất màu mỡ để người trẻ lựa chọn là nơi khởi nghiệp với nhiều thuận lợi, đặc biệt là từ nông nghiệp.
Thật vậy, thiên nhiên đã ưu ái cho mảnh đất hình chữ S điều kiện thích hợp để phát triển vô số trái cây và nông sản. Theo chiều dài đất nước, từ Bắc vào Nam, hầu như tỉnh nào cũng có loại trái cây, nông sản xếp vào diện đặc trưng cho quê nhà, như: vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn lồng (Hưng Yên), cam Đoài (Nghệ An), nho (Ninh Thuận), dừa xiêm (Bến Tre) hay xoài cát Hòa Lộc (Đồng Tháp)... Với nguồn nguyên liệu tại chỗ lớn và sự nổi tiếng sẵn có của các loại nông sản tại địa phương, người ta có thể tận dụng và kiểm soát được nguồn nguyên liệu, cũng như giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, các hoạt động nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm chắc chắn cũng là một lĩnh vực tiềm năng, có thể khai thác từ chính điều kiện tại địa phương. Qua đó, sẽ không có cảnh người dân “ly nông”, rời bỏ ruộng đồng, vườn cây để tìm kiếm công việc khác, vốn xa lạ và thường phải học việc từ đầu.
Khi lựa chọn phát triển làm nông nghiệp tại quê nhà, chắc chắn các dự án kinh doanh dù lớn nhỏ cũng sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân tại địa phương. Khi đó, người dân sẽ không phải ước ao có nhiều nhà máy, xí nghiệp để có công ăn chuyện làm, không phải nói với nhau “đi Bình Dương” như câu cửa miệng đã từng xuất hiện tại các tỉnh miền Tây trong 4330vài năm trước và không phải thấy cảnh người dân “rồng rắn” nhau quay lại các tỉnh Đông Nam bộ sau những kỳ nghỉ.
Nhìn chung, điều kiện khách quan tại địa phương hoàn toàn có thể được tận dụng để làm chìa khóa giải quyết tình trạng người dân rời quê lên phố hay còn được diễn đạt khéo léo hơn là “di dân trong ngắn hạn” để khỏi chạnh lòng.
Để giữ chân và thu hút người dân lập nghiệp ở quê nhà, ngoài việc cần những người dám dấn thân, có khát vọng đóng góp cho xứ sở thì chắc chắn chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng. Những giải pháp thiết thực, cụ thể sẽ giúp người dân an tâm lập nghiệp, khởi sự kinh doanh. Qua đó, tạo thêm việc làm và đóng góp vào ngân sách địa phương. Mong rằng, sẽ sớm đến ngày không còn cảnh người dân phải rời quê hương vì sinh kế, mà thay vào đó, là hình ảnh nền kinh tế địa phương ngày càng sôi động, góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
(*) Niên giám thống kê 2023, Tổng cục Thống kê.
Nông nghiệp, du lịch có đẩy mạnh cỡ nào, theo kinh nghiệm quốc tế cũng không thể giải quyết hết lao động tỉnh lẻ. Chỉ có phát triển công nghiệp, khu kinh tế tùy vào địa phương mới giải quyết được việc làm, tránh nảy sinh tiêu cực xã hội.