(KTSG) - Người ta có thể nhìn nhận tác phẩm Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind) của Margaret Mitchell từ nhiều góc độ khác nhau, kể cả tiêu cực lẫn tích cực, nhưng không ai có thể phủ nhận giá trị văn học và nhân sinh tuyệt vời của tác phẩm này.
Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell thường được nhớ đến bởi chuyện tình tay tư hấp dẫn của bốn nhân vật chính: Scarlett O’Hara, Rhett Butler, Ashley Wilkes và Melanie Hamilton, nhất là đối với những ai chỉ xem phim mà không đọc truyện. Tuy nhiên, Cuốn theo chiều gió trước hết là một tác phẩm sử thi kể về một thời kỳ rối ren trong lịch sử Mỹ: Nội chiến hai miền Nam - Bắc. Người ta có thể nhìn nhận tác phẩm từ nhiều góc độ khác nhau, kể cả tiêu cực lẫn tích cực, nhưng không ai có thể phủ nhận giá trị văn học và nhân sinh tuyệt vời của Cuốn theo chiều gió.
Một tác phẩm ủng hộ chế độ nô lệ
Cuốn theo chiều gió công khai thể hiện quan điểm ủng hộ chế độ nô lệ miền Nam. Margaret Mitchell không ngần ngại bày tỏ thái độ luyến tiếc một miền Nam xưa cũ với lối sống nhàn tản, bình yên của các gia đình quý tộc mà sự xa hoa vốn được xây dựng bởi máu, mồ hôi và nước mắt của các nô lệ da đen. Những chủ nô lệ miền Nam được khắc họa là những người vị tha, tốt bụng, hào sảng, sống chan hòa với nô lệ. Những người mang dòng máu quý tộc miền Nam cho dù nghèo hèn đến đâu đều cao quý hơn rất nhiều so với bọn “yankee” trọc phú miền Bắc.
Không chỉ các thanh niên quý tộc cao quý như Ashley Wilkes tình nguyện ra trận bảo vệ miền Nam mà cả “trai hư” như Rhett Butler cũng sẵn sàng tham gia cuộc chiến cho dù khi đó mọi sự thắng thua đã ngã ngũ. Tác giả xây dựng các chi tiết này để khẳng định rằng cho dù những kẻ tham tiền ích kỷ bậc nhất như Rhett, miễn có dòng máu quý tộc miền Nam, thì đều có tình yêu sâu sắc với quê hương.
Tác phẩm còn thể hiện quan điểm phân biệt chủng tộc rõ nét. Thông qua Scarlett, tác giả tin rằng những mô tả về cuộc sống thê thảm của nô lệ trong các tác phẩm nổi tiếng, như Túp lều của bác Tom của Harriet Beecher Stowe, đơn giản là cách truyền thông mị dân của miền Bắc. Theo tác giả, việc giải phóng nô lệ chỉ khiến những người da đen hiền lành chân chất nhanh chóng bị tha hóa nhân cách. Trong tác phẩm, người da đen thường xuyên phá rối, cướp bóc, thậm chí cưỡng bức phụ nữ da trắng.
Đỉnh điểm của quan điểm ủng hộ chế độ nô lệ là sự bênh vực tổ chức khủng bố khét tiếng một thời: đảng Ku Klux Klan (còn gọi là Klan). Đảng Klan được thành lập vào giai đoạn Tái thiết sau Nội chiến Mỹ (bối cảnh trong Cuốn theo chiều gió) và tôn chỉ ban đầu của nó là nhắm vào người da đen, tiêu diệt các lãnh đạo Mỹ gốc Phi trong chính quyền. Tuy nhiên, dưới cái nhìn trìu mến của Mitchell, Đảng Klan lại là một tổ chức cao quý, là nơi tập hợp các quý ông dũng cảm và đầy lòng tự trọng (mà Ashley Wilkes là điển hình), còn các hành vi bạo lực của họ đơn giản chỉ là bảo vệ công lý mà thôi.
Một tác phẩm tâm lý xuất sắc
Mặc dù có thái độ phân biệt chủng tộc nhưng một trong những lý do quan trọng khiến tác phẩm luôn được đánh giá cao chính là nghệ thuật xây dựng tâm lý bậc thầy của Margaret Mitchell. Những nhân vật trong tác phẩm có tâm lý được khắc họa nhiều lớp, bóc lớp này độc giả lại ngỡ ngàng nhận ra một lớp mới hoàn toàn khác biệt, vừa tương phản lại vừa tương đồng.
Rhett Butler đầu tiên hiện lên với hình ảnh “trai hư” có đủ mọi thói xấu đến mức bị gia đình ruồng bỏ. Anh ta cực kỳ thực dụng, bất chấp thủ đoạn như tự mình nhiều lần thừa nhận với Scarlett. Nhưng mặt khác, anh lại hết sức chung tình, mạnh mẽ và khí phách để bảo vệ vợ và gia đình khi gặp sóng gió. Ngược lại với Rhett Butler là Ashley Wilkes. Ashley là một thanh niên quý tộc trí thức miền Nam điển hình: đẹp trai, phong độ, học cao hiểu rộng, dũng cảm và nhân hậu. Nhưng đến giây phút hiểm nghèo, người thân lại rất ít trông cậy được vào anh từ cả vật chất lẫn tinh thần. Thậm chí sau khi sa cơ, Ashley luôn phải sống trong sự che chở vật chất của cô “người yêu hờ” Scarlett và được bảo bọc tâm hồn bởi cô vợ Melanie.
Tương tự, Scarlett O’Hara và Melanie Hamilton cũng là hai tuyến nhân vật đối đầu. Scarlett, bề ngoài là một tiểu thư gia giáo nhưng kỳ thực cô giống như Rhett, thực dụng và nhẫn tâm, ích kỷ và thủ đoạn. Mục đích cuộc đời của Scarlett chỉ là để tìm kiếm hai điều: sự giàu sang bất tận và tình yêu của Ashley. Nhưng cô là hiện thân của sức sống mãnh liệt không bao giờ bị dập tắt trong bất cứ nghịch cảnh nào. Câu nói như là thần chú luôn được cô sử dụng mỗi khi tuyệt vọng là “ngày mai sẽ là một ngày mới” (nguyên văn: “tomorrow is another day”).
Ngược lại, Melanie là một cô gái thông tuệ nhưng luôn yếu ớt, hay bệnh tật và không thể động tay động chân vào bất cứ việc gì. Những tưởng cả cuộc đời của Melanie là gánh nặng cho bất kỳ ai phải ở bên cô nhưng hóa ra, cô là chỗ dựa vững chắc cuối cùng của họ về mặt tinh thần. Bất cứ ai cũng có thể tìm thấy ở cô một sức mạnh vô biên để có thể dựa vào mỗi khi tuyệt vọng, kể cả người đó chính là Scarlett, người luôn căm ghét cô, tìm mọi cách để đoạt chồng cô. Thậm chí, một người đàn ông như Rhett, ngang ngạnh ngông cuồng không chịu khuất phục trước ai, cũng phải gục đầu vào lòng cô mà khóc như đứa trẻ khi con gái Bonnie qua đời.
Dù vậy, điểm thú vị nhất trong tác phẩm không phải nằm ở sự tương phản mà là ở sự tương đồng sâu sắc giữa các nhân vật chính. Đọc truyện, ai cũng nghĩ Rhett và Ashley là hai con người đối lập hoàn toàn nhưng thực ra họ lại rất giống nhau. Cả hai đều là những người duy nhất đủ thông minh và thực tế để thấy sự thất bại không thể tránh khỏi của miền Nam. Lựa chọn ban đầu của họ tuy khác nhau nhưng cuối cùng lại trùng nhau. Trong suốt Nội chiến, Rhett lợi dụng chiến tranh để vượt rào phong tỏa, làm giàu bất chấp thủ đoạn thì Ashley lại bỏ sau lưng cô vợ mới cưới để dấn thân vào cuộc chiến, bảo vệ danh dự của miền Nam.
Tuy nhiên, trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, cũng như Ashley, Rhett bỏ cô người tình mơ ước giữa đường đầy lửa đạn để dấn thân vào một cuộc chiến mà anh ngay từ đầu luôn cười cợt cho là ngu xuẩn và vô vọng, bởi Rhett nhận ra thứ tình cảm “chết tiệt” của mình đối với miền Nam. Dù không ưa Ashley với lối sống hoài niệm yếm thế nhưng cuối cùng Rhett cũng lựa chọn con đường mang “dáng dấp Ashley”: quay về làm hòa với gia đình mà một thời trai trẻ ngông cuồng anh ta đã chối bỏ. Rhett thú nhận rằng có lẽ càng về già người ta càng thấy vẻ đẹp không thể thay thế của các giá trị truyền thống. Đây chính là vẻ đẹp có tính cân đối hoàn mỹ của các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp cổ mà Ashley từng nói với Scarlett trong khu vườn ở ấp Tara một chiều lộng gió, khi anh luyến tiếc vẻ đẹp của một miền Nam xưa cũ.
Ashley là nhân vật thứ chính và trong mắt nhiều độc giả, anh ta chỉ là một kẻ yếu đuối, đối lập với sự mạnh mẽ của Rhett. Tuy nhiên, Ashley là nhân vật rất thành công của Mitchell bởi vì sự điển hình và chân thực. Một Ashley sẽ là hình mẫu hoàn hảo cho người đàn ông của thời bình - toàn tài toàn đức, nhưng sẽ là một Ashley thiếu hẳn kỹ năng sống, kỹ năng tự điều chỉnh bản thân khi thời cuộc xoay vần.
Hình mẫu này không thiếu ngoài đời thực. Một kiểu người mà chúng ta dễ dàng bắt gặp tha thẩn bên lề xã hội, chỉ sống bằng hệ giá trị ngày xưa. Như Rhett nhận xét, Ashley không yếu đuối tệ hại, anh chỉ là một con người của thời xưa cũ, cố gắng thích nghi tàm tạm bằng những lề luật của một thế giới đã tiêu vong. Không phải Ashley không ý thức được tình cảnh của mình.
Ngược lại, anh là người duy nhất trong tác phẩm nhận thức được bức tranh toàn cảnh thê lương của miền Nam ngay từ khi miền Nam còn sục sôi với niềm tin chiến thắng. Ashley như là một nhà hiền triết, nhìn thấu được quá khứ vị lai nhưng anh bất lực, không cách gì thoát khỏi nó. Một trong những phân đoạn xuất sắc nhất của tác phẩm chính là khi Ashley tâm sự với Scarlett trong khu vườn Tara một chiều đông lạnh lẽo sau Nội chiến.
Anh thú nhận rằng anh đã quen là người ngoài cuộc, anh chỉ thích tận hưởng cuộc sống với tư cách là một khán giả hơn là một diễn viên trong vở kịch cuộc đời. Mặc dù anh hiểu rất rõ mọi ngóc ngách hỗn tạp của cuộc sống nhưng lại không có cách gì xoay chuyển bản thân cho phù hợp với thời thế. Và đột nhiên, khi bị cuộc đời lôi khỏi hàng ghế khán giả, ném lên sân khấu để trở thành một phần trong vở diễn ấy, anh không thể nào thích ứng được. Đó là bi kịch tâm lý rất điển hình của những con người vốn sống yên bình giờ bị quăng vào bão táp. Ở Ashley, bi kịch ấy còn lớn hơn rất nhiều lần: anh nắm được bản chất của bi kịch ấy nhưng không có cách gì thoát ra được.
Một bức tranh đồ sộ về cuộc đời
Cuốn theo chiều gió chính thức ra mắt năm 1936, nghĩa là gần một thế kỷ đã trôi qua, thế nhưng bức tranh đồ sộ về cuộc đời được vẽ nên bởi Margaret Mitchell chưa bao giờ là “lỗi mốt”. Cuộc đời của nữ nhân vật chính Scarlett O’Hara thăng trầm theo số phận sóng gió của miền Nam trong suốt thời gian trước, trong và sau Nội chiến. Mitchell đã kiến trúc nên một thế giới sống động với nhiều số phận con người chìm nổi, mỗi một người có một tính cách, quan điểm và hành xử khác nhau trong buổi giao thời, tạo nên một xã hội rất chân thực và sống động.
Trong Cuốn theo chiều gió, chúng ta chứng kiến các gia đình quý tộc sa cơ, vất vả kiếm sống qua ngày nhưng luôn giữ niềm kiêu hãnh dòng tộc. Tương phản là những kẻ hời hợt như Scarlett với mối quan tâm duy nhất là tiền. Trên tất cả, như bản thân tác giả từng bày tỏ, thông điệp xuyên suốt mà tác phẩm đề cập chính là sự đấu tranh sinh tồn của con người trong buổi giao thời hỗn loạn. Có người mạnh mẽ, nhanh chóng thích nghi với thời cuộc, vượt qua mọi nghịch cảnh để tồn tại và vươn lên. Scarlett là hiện thân cho ý chí kiên cường đó. Ngược lại, có những người dính mắc vào quá khứ, không thoát ra khỏi giấc mộng đã tan vỡ từ lâu, họ mãi là một cái bóng vất vưởng bên lề xã hội mới. Đó chính là bi kịch của Ashley.
Các nhân vật trong tiểu thuyết không ai là hoàn hảo, nhưng chính vì thế họ lại rất chân thực. Mỗi nhân vật là hiện thân cho một loại người mà chúng ta vẫn thường bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Cuốn theo chiều gió ra đời trong thời kỳ mà Mỹ lâm vào Đại khủng hoảng, người dân phải chật vật kiếm sống như tình cảnh sau Nội chiến. Thế nên, nhiều độc giả nhận thấy bản thân mình trong tác phẩm.
Thậm chí, dù đã qua gần trăm năm, thông điệp kiên cường vượt qua nghịch cảnh chưa bao giờ mất đi ý nghĩa. Dù là xã hội Mỹ của thời kỳ Nội chiến, của giai đoạn Đại khủng hoảng, hay thế giới thế kỷ 21 đương đại, cuộc đời vẫn luôn vô thường: hôm nay đang ở đỉnh cao danh vọng nhưng chỉ qua một đêm, lâu đài phút chốc sụp đổ. Không ai có thể đảm bảo cả đời êm đềm, vinh hiển như giấc mộng mà Ashley mãi vùi mình trong đó. Điều quan trọng nhất chính là mỗi người cần rèn luyện một ý chí kiên cường, khả năng tự thích nghi một khi thời thế đổi thay. Và hơn hết, chúng ta cần biết nuôi dưỡng một tâm hồn biết trân quý những giá trị nhân sinh tốt đẹp.
Ngày nay, Cuốn theo chiều gió đã bị Nhà xuất bản Pan Macmillan dán nhãn “độc hại” vì quan điểm ủng hộ chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, bất chấp hạn chế này, tác phẩm vẫn không thể bị phủ nhận về giá trị văn học và nhân sinh, hoàn toàn xứng đáng có một vị trí đáng kể trong nền văn học nhân loại.
(*) Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM