(KTSG Online) - Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Thuế rà soát 120 website, 44 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, để xác minh tình trạng dừng hoạt động, giải thể hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
- Mỗi ngày, người Việt chi gần 900 tỉ đồng để mua hàng trực tuyến
- Nghiên cứu định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử bằng VNeID
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2024/11/thuong-mai-dien-tu.jpg)
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, trước sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý và cơ quan thuế là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát và xác thực thông tin của doanh nghiệp, người nộp thuế, TTXVN đưa tin.
Trước đó, ngày 6-2, cục cũng đã phối hợp với Tổng cục Thuế chia sẻ thông tin về tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.
Dựa trên dữ liệu được chia sẻ, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu chủ sở hữu 120 website, 44 ứng dụng thương mại điện tử giải trình về việc ngừng hoạt động, giải thể hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Nếu quá 30 ngày không phản hồi, cơ quan quản lý sẽ chấm dứt đăng ký website, ứng dụng theo quy định tại.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đối chiếu dữ liệu, hoàn thiện quy định pháp luật và ứng dụng công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, đảm bảo môi trường thương mại điện tử minh bạch, công bằng, bền vững.
Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 của Metric, năm 2024, người Việt chi trung bình 873,6 tỉ đồng mỗi ngày trên các sàn thương mại điện tử.
Tổng doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử lớn gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt 318.900 tỉ đồng, tăng hơn 37% so với năm 2023.
Hàng nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhờ logistics cải thiện và chính sách bảo vệ người mua tốt hơn. Năm 2024 ghi nhận hơn 324,1 triệu sản phẩm được đưa vào Việt Nam, tạo ra 14.200 tỉ đồng doanh số, mức tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với cùng kỳ.