Chủ Nhật, 16/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị phần trái cây tươi xuất đi Mỹ đang ‘héo’ dần

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mỹ là thị trường xuất khẩu trái cây tươi hàng đầu của Việt Nam nhưng để mở rộng thị trường này lại không dễ dàng vì chi phí vận chuyển và bảo quản quá cao. Chuyển sang phân khúc sản phẩm trái cây chế biến là hướng được các doanh nghiệp cân nhắc.

Xoài của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ. Trong ảnh là lô xoài tỉnh Đồng Tháp xuất bán sang Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Việt Nam có nhiều loại trái cây được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bao gồm thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, vú sữa và dừa tươi cạo vỏ. Tuy nhiên, ngay cả những sản phẩm được xem là thế mạnh, thì việc khai thác thị trường này vẫn khá chật vật.

Kim ngạch không tăng mà đang giảm dần

Báo cáo “Thị trường hoa quả nhập khẩu tại Mỹ”  của Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2024 đánh giá, người tiêu dùng Mỹ hiện đang ưu tiên sức khoẻ và dinh dưỡng khi gia tăng tiêu thụ trái cây tươi. “Sự quan tâm đặc biệt đối với hoa quả nhiệt đới và sản phẩm chế biến sẵn mở ra cơ hội đáng kể cho các nhà cung cấp quốc tế, đặc biệt là từ Việt Nam”, báo cáo viết.

Tại Mỹ, giá trị tiêu thụ rau quả đạt tổng cộng khoảng 65 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023, trong đó, khoảng 60% nguồn cung từ nhập khẩu. “Đây là con số cho thấy tầm quan trọng và quy mô lớn của ngành này trong nền kinh tế của Mỹ”, báo cáo đánh giá.

Người tiêu dùng Mỹ, nhất là khu vực trung tâm thành thị, nơi chiếm 25% dân số, có thu nhập cao dành 25% trong tổng chi tiêu cho nhu cầu trái cây, sẵn sàng chi 1,75 đô la Mỹ/pound (0,45 kg).

Năm ngoái, ngành rau quả Việt Nam đã lập kỷ lục về xuất khẩu khi đạt 7,12 tỉ đô la Mỹ, tuy nhiên, Mỹ dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ thứ hai của Việt Nam nhưng kim ngạch bán sang đây cũng chỉ đạt hơn 320 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đánh giá của Cục phát triển doanh nghiệp cũng nêu rõ, xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Mỹ đang gặp nhiều khó khăn khi sụt giảm cả lượng lẫn giá trị trong những năm gần đây, nhất là trái cây tươi, dù Mỹ vẫn có nhu cầu cao.

Theo đó, tỷ trọng xuất trái cây của Việt Nam vào Mỹ sụt chỉ còn 4,6% vào năm 2023 so với con số 7,4% của năm 2022. Trong đó, xoài là loại trái cây vốn có thế mạnh xuất khẩu sang Mỹ nhưng chiếm tỷ trọng rất thấp ở thị trường Mỹ, chỉ 0,1% với phân khúc xoài tươi; 0,4% với xoài chế biến và lần lượt chiếm 1%, 0,7% đối với sản phẩm đông lạnh và sây khô của Mỹ. “Điều này cho thấy Việt Nam chưa thể tận dụng hết tiềm năng của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Mỹ đối với hoa quả nhiệt đới”, báo cáo của Cục phát triển doanh nghiệp viết.

Còn với trái thanh long, sản phẩm được Mỹ “mở cửa” từ rất sớm (năm 2008), nhưng việc khai thác thị trường này cũng khá “èo uột” khi đạt kim ngạch chưa đến 20 triệu đô la Mỹ trong năm 2024, giảm khoảng 25% so với năm trước đó.

Doanh nghiệp kêu rất khó để khai thác được thị trường Mỹ vì chi phí logistics lẫn việc bảo quản. Ảnh: Trung Chánh

Có thể dịch chuyển sang phân khúc sản phẩm chế biến

Qua những con số nêu trên, rõ ràng việc khai thác thị trường Mỹ của nhóm ngành rau quả Việt Nam còn rất hạn chế, thậm chí đang suy giảm đáng kể so với những năm trước.

Trao đổi với KTSG Online ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An- một trong hai địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói rằng “vô Mỹ khó lắm”.

Theo ông, quy chuẩn, tiêu chuẩn thị trường Mỹ đặt ra, khu vực sản xuất có thể đáp ứng được, nhưng chi phí vận chuyện cao, bảo quản hạn chế là những rào cản rất lớn khiến việc tiếp cận thị trường lớn này bị hạn chế. “Nếu đi đường bay thì quá mắc, trong khi đi đường biển thì tốn quá nhiều thời gian, dẫn đến chất lượng sản phẩm không còn tốt”, ông dẫn chứng.

Chính vấn đề nêu trên nên không nhiều doanh nghiệp khai thác thị trường này, chủ yếu duy trì sự hiện diện là chính. “Bằng chứng là hiện ở Long An chỉ có khoảng 5% diện tích, tương đương 500 héc ta được tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, ông cho biết.

Trong khi đó, ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Hương Miền Tây- đơn vị chuyên về sản phẩm bưởi da xanh cho biết, hai lý do khiến doanh nghiệp “không mặn mà” khai thác thị trường Mỹ, đó là: thứ nhất, lợi nhuận thấp hơn so với bán tiểu ngạch sang Trung Quốc vì chi phí vận chuyển quá lớn; thứ hai, đối tượng tiêu dùng hạn chế, chủ yếu phục vụ người gốc Á ở Mỹ. “Chi phí qua tới Mỹ, có khi bán ra đến 400.000-500.000 đồng/kg nên sức cạnh tranh rất kém”, ông dẫn chứng và thừa nhận, việc bán sang thị trường Mỹ chỉ mang tính… “duy trì sự có mặt”!

Cách đây hơn bảy năm, tức vào cuối năm 2017, lô vúa sữa Lò Rèn đầu tiên ở vùng đất Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã bán thành công sang Mỹ. Đây được xem thành công lớn của ngành cây ăn trái tỉnh Tiền Giang nói riêng cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhất là khi loại trái cây này vào thời điểm lúc bấy giờ có giá lên đến 60.000 đồng/trái.

Tuy nhiên, sau một vài đơn hàng đầu tiên, việc xuất khẩu đi Mỹ đã phải dừng lại cũng bởi lý do trái vú sữa đưa sang Mỹ bị hư vì hạn chế từ vấn đề bảo quản, trong khi người tiêu dùng chỉ dừng lại ở người Việt tại Mỹ.

Kết quả, toàn bộ diện tích sản xuất vú sữa Lò Rèn của huyện Châu Thành, thậm chí có lúc đạt trên dưới 2.000 héc ta cũng dần bị “xoá sổ”, được thay thế bằng các loại cây trồng khác như sầu riêng, mít…

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An - người được mệnh danh là “vua chuối” thừa nhận, loại trái cây này có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau sầu riêng và thanh long, nhưng không bán được sang Mỹ, dù được người Mỹ chọn tiêu thụ lớn nhất. “Nói đến chuối, khu vực Nam Mỹ đứng nhất thế giới, trong khi chi phí hợp lý nên mặt hàng của mình đâu khai thác được”, ông lý giải.

Thực tế, con số báo cáo của Cục phát triển doanh nghiệp cho thấy, xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 0,5 triệu đô la Mỹ, trong khi người dân Mỹ tiêu thụ chuối lên đến 26,6 pound/người/năm (con số thống kê năm 2022).

Chi phí vận chuyển cao, thời gian bảo quản ngắn là yếu điểm của trái cây Việt Nam, trong khi Mỹ lại là “sân chơi” quen thuộc của Mexico, Peru và Chile khi lần lượt chiếm 44,86%; 10,94% và 8,78% tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây của Mỹ. Điều này có nghĩa, Việt Nam muốn bán sang Mỹ còn phải chịu cạnh tranh rất lớn.

Còn về khả năng tăng thêm kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam vào Mỹ được Cục phát triển doanh nghiệp nêu ra cũng không quá lớn. Chẳng hạn, ổi, xoài và măng cụt bán sang Mỹ đạt 4,1 triệu đô la Mỹ, trong khi khả năng có thể khai thác là 16 triệu đô la Mỹ; chuối bán được 0,5 triệu đô la Mỹ, trong khi có thể khai thác cũng chỉ 24 triệu đô la Mỹ; sầu riêng xuất sang Mỹ đạt 1,4 triệu đô la Mỹ, nhưng tiềm năng khai thác cũng chỉ khoảng 5,7 triệu đô la Mỹ.

Qua những phân tích nêu trên, rõ ràng việc khai thác thị trường Mỹ đối với trái cây Việt cũng không quá rộng lớn.

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, ông Huy của Huy Long An khuyến cáo, về mặt sản xuất, bên cạnh tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, thì cần tập trung nhiều hơn về mẫu mã. “Ví dụ, với trái bưởi cần đầu tư thêm công nghệ bao trái vì người Mỹ ưa chuộng trái phải bóng”, ông dẫn chứng.

Trong khi đó, để khắc phục nhược điểm về câu chuyện bảo quản, gợi ý của Cục phát triển doanh nghiệp là ngành cây ăn trái Việt Nam có thể dịch chuyển sang phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là phân khúc cũng được thị trường Mỹ chào đón.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới