Thứ tư, 19/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thúc đẩy kinh tế tư nhân để góp phần tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên

Thùy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thảo luận về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, nhiều đại biểu nhấn mạnh vấn đề thúc đẩy đầu tư công, khơi thông nguồn lực đầu tư, có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Tín dụng là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: LÊ VŨ

Chiều 15-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, TTXVN đưa tin.

Để đạt được mục tiêu này, nhiều đại biểu nhấn mạnh vấn đề thúc đẩy đầu tư công, khơi thông nguồn lực đầu tư tư, có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Theo đại biểu từ Đắk Nông, thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", việc sửa đổi luật còn chậm, nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển. Do đó, nghị quyết cần tập trung tháo gỡ rào cản, tạo đột phá về thể chế, kiến tạo không gian phát triển mới, không để tình trạng chậm sửa luật cản trở quá trình tăng trưởng.

Đại biểu đến từ đoàn Đồng Nai cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là “bài toán”, “phép thử” để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Theo đó, trong đề án Chính phủ trình có những vấn đề về tổng thể, có những vấn đề về tức thì. Để đạt chỉ tiêu này trong năm 2025, phải quan tâm đến những nhiệm vụ có tính tức thì, những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện.

Đồng tình với việc tăng đầu tư công nhưng đại biểu cho rằng cần đặt chỉ tiêu cho đầu tư tư nhân, do khu vực này có xu hướng giảm thời gian qua. Ông đề xuất, nếu đầu tư tư nhân chỉ tăng trưởng 7-9%, sẽ rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng chung, nên cần đặt mục tiêu tăng trưởng đầu tư tư nhân lên hai con số.

Ông cũng cho rằng, tín dụng là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Nếu tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 15-16% thì khó có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 8%, nên cần tăng lên mức 18-19%, tất nhiên phải cân nhắc yếu tố lạm phát và chính sách tiền tệ.

Quan tâm đến vấn đề doanh nghiệp, đại biểu đến từ đoàn Thái Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét có Nghị quyết về việc liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam với các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó là tháo gỡ các nút thắt của dự án, vi phạm, hoặc vướng luật trên tinh thần vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 1-2025 tăng 3,07%, cao hơn bình quân chung năm 2023 (2,71%), cho thấy áp lực lạm phát là đáng kể. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới