Thứ hai, 24/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi khoảng cách lợi nhuận ngân hàng ngày càng mở rộng…

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng đang phân hóa ngày càng lớn hơn và có thể sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới. Xu hướng này có thể ảnh hưởng như thế nào đến chiến lược kinh doanh và hiệu suất hoạt động của các ngân hàng?

Ngành ngân hàng vẫn là một trong số ít ngành giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Ảnh: LÊ VŨ

Tăng trưởng mạnh mẽ và phân hóa lớn

Tổng lợi nhuận trước thuế theo báo cáo tài chính năm 2024 của 27 ngân hàng niêm yết là 299.379 tỉ đồng, tăng gần 44.054 tỉ đồng, tương đương tăng 17%. Dù vẫn đối mặt với thách thức nợ xấu gia tăng và xu hướng lãi suất đầu vào đi lên trở lại trong nửa cuối năm 2024, có thể thấy ngành ngân hàng vẫn là một trong số ít ngành giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Trong bối cảnh nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi khả quan, các thị trường tài sản dần khởi sắc kéo theo nhu cầu vay vốn nhiều hơn, giúp tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2024 đạt hơn 15%, là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Quy mô tín dụng tăng mạnh chính là động lực thúc đẩy lợi nhuận của nhiều ngân hàng, cùng với chi phí trả lãi tiền gửi giảm mạnh so với năm 2023.

Ngoại trừ một ngân hàng báo lỗ do đang trong lộ trình tái cơ cấu, 26 ngân hàng còn lại đều có lợi nhuận trước thuế dương, trong đó một số ngân hàng tăng trưởng lãi trước thuế rất mạnh như Bản Việt tăng hơn 4,4 lần lên 390 tỉ đồng; VPBank tăng 82% lên gần 20.013 tỉ đồng; KienLongBank tăng 55% lên 1.112 tỉ đồng; Eximbank tăng 54% lên 4.188 tỉ đồng; VietBank tăng 39% lên 1.131 tỉ đồng; NamA Bank tăng 38% lên 4.545 tỉ đồng...

Với mức trung vị ở chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của 26 ngân hàng có lãi là quanh 7.250 tỉ đồng, nhóm bảy ngân hàng lãi trên 20.000 tỉ đồng đang cách rất xa mức trung vị này.

Nếu xét theo mức tuyệt đối, Vietcombank vẫn giữ ngôi vị quán quân lợi nhuận ở mức 42.236 tỉ đồng, dù chỉ tăng trưởng nhẹ 2% so với năm 2023. Hai ngân hàng xếp vị trí tiếp theo cũng thuộc nhóm Big 4 là VietinBank đạt 31.578 tỉ đồng, tăng 27%; BIDV đạt 31.383 tỉ đồng, tăng 14%. Xếp vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là MBBank lãi 28.829 tỉ đồng và Techcombank lãi 27.583 tỉ đồng, tăng tương ứng 10% và 20% so với năm 2023. Đây cũng là hai ngân hàng dẫn đầu lợi nhuận trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Một xu hướng thể hiện rõ là lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng đang tiếp tục phân hóa mạnh, với mức chênh lệch lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng ngày càng mở rộng. Thống kê cho thấy có bảy ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế từ 20.000 tỉ đồng trở lên, bốn ngân hàng lãi từ 10.000 tỉ đồng đến dưới 20.000 tỉ đồng và 15 ngân hàng có lợi nhuận dưới 10.000 tỉ đồng - gồm bốn ngân hàng lãi trên 5.000 tỉ đồng và 11 ngân hàng còn lại lãi dưới mốc 5.000 tỉ đồng.

Trong đó, một số ngân hàng có lợi nhuận khá khiêm tốn như ABBank lãi trước thuế 794 tỉ đồng, tăng 36% so với năm 2023; PGBank lãi 420 tỉ đồng, tăng 18%; Bản Việt lãi 390 tỉ đồng; và đáng chú ý là SaigonBank lãi 99 tỉ đồng, giảm mạnh 70% so với năm 2023. Có thể thấy chênh lệch lợi nhuận trước thuế giữa nhóm lãi cao và lãi thấp, giữa ngân hàng có lợi nhuận cao nhất là Vietcombank và ngân hàng lãi thấp nhất là SaigonBank, đều rất lớn. Với mức trung vị ở chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của 26 ngân hàng có lãi là quanh 7.250 tỉ đồng, nhóm bảy ngân hàng lãi trên 20.000 tỉ đồng đang cách rất xa mức trung vị này.

Tác động gì đến chiến lược kinh doanh?

Việc khoảng cách lợi nhuận giữa các ngân hàng ngày càng tiếp tục nới rộng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược kinh doanh của các ngân hàng.

Thứ nhất, lợi nhuận cao giúp nguồn lợi nhuận giữ lại của nhiều ngân hàng ngày càng dày thêm, giúp các ngân hàng này có điều kiện thuận lợi hơn để tăng thêm vốn điều lệ qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Lợi nhuận cao và tăng trưởng mạnh cũng giúp đẩy giá cổ phiếu, mang đến cơ hội phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Ngược lại, những ngân hàng có lợi nhuận thấp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tăng vốn.

Thứ hai, việc đạt lợi nhuận cao cũng giúp các ngân hàng nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR), vì lợi nhuận giữ lại là một trong những cấu phần quan trọng của vốn tự có cùng với vốn điều lệ và trái phiếu kỳ hạn trên năm năm. Hệ số CAR cao hơn giúp các ngân hàng đáp ứng điều kiện để được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, từ đó mở rộng quy mô kinh doanh nhanh hơn nữa. Việc các ngân hàng lớn thường được giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao là vì lẽ đó.

Điều này diễn tiến theo một vòng lặp nguyên nhân - hệ quả. Khi mở rộng quy mô kinh doanh nhanh hơn, các ngân hàng lớn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận và nâng cao hệ số CAR, để rồi sau đó lại có thêm điều kiện tăng trưởng các chỉ tiêu kinh doanh nhanh hơn nữa. Ngược lại, các ngân hàng có lợi nhuận thấp có thể bị mắc kẹt trong vòng lặp tăng trưởng chậm hơn, khiến khoảng cách về quy mô tài sản và lợi nhuận giữa nhóm dẫn đầu và nhóm phía sau ngày càng nới rộng ra.

Thứ ba, nguồn vốn dồi dào nhờ lợi nhuận cao và việc tăng vốn thuận lợi giúp các ngân hàng lớn giảm bớt phụ thuộc vào việc huy động vốn trên thị trường dân cư, nên không phải xác định một mức lãi suất huy động quá cao; cũng như quy mô lớn và thương hiệu tốt hơn giúp các ngân hàng này có khả năng tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ quốc tế. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ sẽ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn trong hoạt động huy động vốn, buộc phải niêm yết lãi suất tiền gửi cao hơn, từ đó cũng tác động đến kết quả lợi nhuận.

Bên cạnh đó, ở lãi suất cho vay đầu ra, nhờ quy mô dư nợ lớn nên các ngân hàng lớn dù có cho vay với lãi suất thấp hơn thì vẫn có thể đạt lợi nhuận cao vì hiệu quả kinh tế theo quy mô, chưa nói đến việc chi phí vốn đầu vào của nhóm này cũng thấp hơn. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ hơn sẽ phải cho vay với lãi suất cao hơn mới mong giữ được biên độ lãi ổn định, vì chi phí vốn của nhóm này cũng cao hơn.

Thứ tư, khi cho vay với lãi suất cao hơn, các ngân hàng nhỏ có nguy cơ đối mặt với nhóm khách hàng có rủi ro lớn hơn, vì những khách hàng tốt thật sự thường có xu hướng đổ về những ngân hàng có lãi suất cho vay tốt hơn. Hệ quả là nhóm các ngân hàng nhỏ cũng đối mặt với rủi ro tín dụng lớn hơn, từ đó đòi hỏi phải có các giải pháp kiểm soát rủi ro tốt hơn. Để phân tán bớt rủi ro, các ngân hàng nhỏ có thể phải tập trung vào nhóm bán lẻ nhiều hơn, tuy nhiên điều này cũng khiến quy mô tín dụng khó có thể tăng trưởng nhanh được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới