(KTSG Online) - Hiệp hội bất động sản TPHCM kiến nghị các địa phương cần tháo gỡ vướng mắc trong việc phối hợp của các sở, ngành, quận, huyện để rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
- Người độc thân thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng được mua nhà ở xã hội
- TPHCM sẽ có thêm 3.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025

Từ thực tiễn tại TPHCM cho thấy, điểm nghẽn lớn nhất là thực thi pháp luật trong việc thực hiện quy trình, thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội, nhất là sự phối hợp thiếu đồng bộ và đùn đẩy giữa các sở, ngành, quận, huyện dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội vẫn chậm, mất nhiều thời gian, làm nản lòng doanh nghiệp, TTXVN đưa tin.
Đây là thực trạng được Hiệp hội bất động sản TPHCM nêu ra trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội hiện nay.
Dẫn chứng cho thực trạng trên, Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên (tại huyện Bình Chánh) có diện tích 1,9 hécta phù hợp quy hoạch, đã được UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 và chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư từ quý 1-2024.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công được vì chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa được giao đất, chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Cũng tại dự án này, chủ đầu tư đề nghị được lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy trình rút gọn nhưng UBND huyện yêu cầu chủ đầu tư phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo hai bước. Khi trình hồ sơ lên Sở Quy hoạch Kiến trúc thì được hướng dẫn thực hiện lại “quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng” làm tiêu tốn công sức mất ba tháng vô ích.
Vì vậy, căn cứ các quy định pháp luật về nhà ở xã hội hiện hành, Hiệp hội kiến nghị UBND các địa phương cần tháo gỡ vướng mắc trong việc phối hợp của các sở, ngành, quận, huyện để rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Cụ thể là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Ngoài ra, Hiệp hội bất động sản TPHCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét sửa đổi tiêu chí về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Bởi hiện nay, một số địa phương không chấp thuận cho doanh nghiệp đã có bề dày kinh nghiệm làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị tham gia đấu thầu dự án nhà ở xã hội. Quy định này khiến doanh nghiệp bị loại ngay từ “vòng gửi xe” chỉ vì không có kinh nghiệm làm nhà ở xã hội là vô lý.
Hiệp hội bất động sản thành phố cho biết, cơ chế, chính sách hiện nay không thiếu nhưng để pháp luật đi vào cuộc sống thì khâu then chốt là thực thi pháp luật tại các địa phương, đồng thời vẫn phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật sát với tình hình thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.