Thứ hai, 21/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư thích các dự án khử carbon có chi phí cao

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) - Các công nghệ thu trữ carbon tiên tiến hiện có chi phí rất cao và khó mở rộng quy mô nhưng lại được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong khi đó, các giải pháp thực tế hơn như than sinh học, dễ dàng triển khai thì lại có ít người quan tâm.

Nhà máy hút carbon trực tiếp từ không khí lớn nhất thế giới của startup Climeworks tại Iceland. Ảnh: Climeworks

Cắt giảm khí thải carbon là bước đầu tiên để đối phó với biến đổi khí hậu. Theo báo cáo mới của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF), lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng toàn cầu có thể đã đạt đỉnh vào năm ngoái.

Tuy nhiên, tốc độ giảm phát thải hiện tại vẫn không đủ nhanh để giữ nhiệt độ toàn cầu dưới mức tăng 2°C vào cuối thế kỷ này, chứ chưa nói đến mục tiêu 1,5°C theo Thỏa thuận Paris.

Để đối phó với lượng khí carbon đã tích tụ trong khí quyển hàng thập niên qua, thế giới cần phát triển các công nghệ loại bỏ carbon (carbon removal) hiệu quả, được xem như “van thoát nước” cần thiết để giảm nhiệt độ toàn cầu.

Nhà đầu tư đã dành nhiều năm để đặt nền móng phát triển lĩnh vực loại bỏ carbon có tiềm năng hỗ trợ thị trường carbon mà BNEF ước tính có thể đạt quy mô 1,1 ngàn tỉ đô la trong những thập niên  tới.

Các nhà đầu tư lớn từ Occidental Petroleum, Microsoft, BlackRock cho đến các quỹ như Breakthrough Energy Ventures của tỉ phú Bill Gates đang rót hàng tỉ đô la vào các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ loại bỏ carbon.

Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã cam kết hơn 1 tỉ đô la để thúc đẩy lĩnh vực này. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ đang bị đe dọa do các đề xuất cắt giảm ngân sách dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Công nghệ Direct Air Capture hút vốn đầu tư

Có khoảng 900 startup hoạt động trong 8 nhóm công nghệ loại bỏ carbon khác nhau nhưng phần lớn dòng tiền đầu tư lại chảy vào Direct Air Capture (DAC), công nghệ dùng máy móc để hút carbon trực tiếp từ không khí.

Dù chưa chứng minh được hiệu quả ở quy mô lớn và có có phí cực kỳ đắt đỏ lên tới 1.000 đô la Mỹ/tấn carbon, DAC vẫn thu hút tới 3,3 tỉ đô la đầu tư giai đoạn 2020–2024, gần bằng tổng đầu tư vào tất cả các phương pháp loại bỏ carbon còn lại, theo dữ liệu của CDR.fyi.

Sở dĩ DAC nhận được nhiều vốn đầu tư nhờ các ưu đãi thuế và tài trợ của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này không hẳn do DAC là phương án tốt nhất mà bởi các nhóm lợi ích trong ngành dầu khí có ảnh hưởng chính trị lớn hơn so với các ngành mới nổi khác.

Ngành dầu khí có mối quan hệ khăng khí với các cơ quan lập pháp Mỹ và thường vận động hành lang để định hình chính sách có lợi cho các công nghệ loại bỏ có thể kết hợp với hoạt động khai thác dầu khí.

Một số công ty dầu khí như Occidental Petroleum (Mỹ) đang đầu tư mạnh vào DAC. Mục tiêu không chỉ là giảm phát thải mà còn để sử dụng carbon thu giữ được để bơm vào các giếng dầu để tăng sản lượng khai thác.

BECCS: Phương pháp được mua nhiều nhất

Dù DAC hút vốn đầu tư, sả xuất năng lượng sinh học kết hợp thu trữ carbon (BECCS) lại là công nghệ được mua nhiều nhất. BECCS sử dụng sinh khối (gỗ, rơm rạ, chất thải của gia súc…) làm nguyên liệu để sản xuất năng lượng, sau đó thu giữ lượng khí carbon thải ra và chôn dưới lòng đất.

Công nghệ này chiếm 85% danh mục mua carbon loại bỏ (8,2 triệu tấn) của tập đoàn Microsoft tính đến năm 2024. Mới đây, Microsoft ký thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay với Fidelis New Energy để mua 6,75 triệu tấn carbon được loại bỏ từ một nhà máy BECCS ở bang Louisiana.

BECCS có lợi thế vì tận dụng các nhà máy sản xuất năng lượng sinh học hiện có, dễ triển khai hơn các công nghệ mới. Tuy nhiên, việc chặt cây, vận chuyển sinh khối và các yếu tố khác có thể khiến lượng carbon phát thải lớn hơn lượng loại bỏ, gây khó khăn trong công tác kiểm kê carbon.

Dù cả BECCS và DAC được quan tâm nhiều, sản lượng carbon thực sự được loại bỏ vẫn rất nhỏ. DAC chỉ mới giúp loại bỏ được khoảng 1.200 tấn carbon và con số này của BECCS là 10.000 tấn, chỉ chiếm chưa tới 2% tổng lượng carbon đã được loại bỏ trên toàn cầu.

Tính từ 2019 đến 2024, chỉ có khoảng 13 triệu tấn carbon được ghi nhận đã được loại bỏ. Con số này quá nhỏ so với nhu cầu loại bỏ hàng tỉ tấn carbon mỗi năm nếu thế giới vẫn tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Giá thành là rào cản lớn đối với các công nghệ loại bỏ tiên tiến hiện nay. Các tín chỉ loại bỏ carbon trực tiếp (CDR) có giá lên đến 1.000 đô la/tấn, trong khi tín chỉ carbon từ trồng rừng chỉ chưa đến 10 đô la/tấn. Vì vậy, chỉ những công ty giàu có như Microsoft, Google và Stripe mới đủ nguồn lực tham gia vào thị trường tín chỉ CDR.

“Cách duy nhất để mở rộng quy mô của thị trường tín chỉ CDR là bắt buộc các công ty phát thải cao phải mua tín chỉ này”,  Wim Carton, giáo sư khoa học bền vững tại Đại học Lund của Thụy Điển nói.

Biochar (than sinh học) chiếm tới 83% lượng carbon được loại bỏ trong giai đoạn 2019–2024 nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Ảnh: climate.mit.edu

Biochar: “Ngôi sao thầm lặng”

Trong khi DAC và BECCS được đầu tư nhiều thì biochar (than sinh học), phương pháp đốt sinh khối trong môi trường thiếu oxy để tạo than sinh học, chiếm tới 83% lượng carbon được loại bỏ trong giai đoạn 2019–2024 lại ít được quan tâm. Vốn đầu tư cho lĩnh vực than sinh học cho đến nay chưa đạt 1 tỉ đô la.

Theo giáo sư Carton, ở một số khía cạnh, than sinh học là “ngôi sao chưa được công nhận” trong việc loại bỏ carbon. So với các phương pháp khác, phương pháp này rẻ hơn và không đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư ban đầu hoặc nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.

Để sản xuất than sinh học, người ta chi cần sử dụng lò nung để đốt sinh khối như gỗ, lá, phân động vật hoặc phụ phẩm nông nghiệp trong điều kiện thiếu oxy, thông qua một quá trình gọi là nhiệt phân. Sản phẩm giống than củi thu được sau đó cũng có thể được sử dụng để giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất đai.

Thế nhưng, giống như mọi kỹ thuật loại bỏ carbon, than sinh học cũng có nhược điểm, bao gồm những nghi ngại về tính bền vững của việc lưu giữ carbon dưới dạng than sinh học trong đất.

Nhiều công nghệ đầy hứa hẹn khác như tăng tốc phong hóa (ERW), tăng khả năng hấp thụ cabon của đại dương (OAE) vẫn đang bị bỏ ngỏ.

ERW là công nghệ loại bỏ carbon bằng cách rải các loại đá nghiền mịn (như bazan) lên đất canh tác để đẩy nhanh quá trình phong hóa tự nhiên và hấp thụ carbon từ khí quyển.

OAE nhằm mục đích tăng độ kiềm (alkalinity) của nước biển bằng cách thêm các chất kiềm tự nhiên, giúp tăng khả năng hấp thụ carbon ừ khí quyển. Một số startup đang theo đuổi ý tưởng dùng điện phân nước biển hoặc tăng chất kiềm trong đại dương để hấp thụ carbon

Anu Khan, nhà sáng lập Sáng kiến tiêu chuẩn loại bỏ carbbon cho biết, các phương pháp trên tuy có tiềm năng nhưng lại kém “trực quan” nên khó thuyết phục nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, loại bỏ carbon cần được xem như một dịch vụ công cộng giống như thu gom rác, được chính phủ tài trợ và quản lý. Nếu không, lĩnh vự này khó có thể mở rộng quy mô và đạt hiệu quả cần thiết.

Loại bỏ carbon: cần nhưng chưa đủ

Ngành công nghiệp loại bỏ carbon đang ở giai đoạn hình thành với tiềm năng lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức về tài chính, chính sách và công nghệ.

Để đạt được quy mô cần thiết, cần có sự đầu tư đa dạng hơn vào các phương pháp khác nhau, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và các công ty lớn như Microsoft. Các công nghệ như than sinh học, tăng cường kiềm ở các đại dương và phong hóa đá có thể đóng vai trò quan trọng nếu được đầu tư đúng mức.

Tuy nhiên, không nên xem loại bỏ carbon là “cứu cánh” cho biến đổi khí hậu mà chỉ là phần bổ sung cho nỗ lực giảm phát thải ngay từ đầu, theo BNEF. Nếu lạm dụng các công nghệ loại bỏ carbobn như một giải pháp trì hoãn nỗ lực giảm khí thải, thì thế giới sẽ đi lệch hướng.

Theo dự báo, nếu không giảm mạnh khí thải, thế giới sẽ cần loại bỏ tới 9,8 tỉ tấn carbon mỗi năm vào năm 2050, trong đó 3,5 tỉ tấn đến từ các công nghệ mới như DAC. Tuy nhiên, với tốc đô độ hiện nay, lĩnh vực loại bỏ carbon chỉ mới chỉ đạt mức “số lẻ” so với mục tiêu này.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới