Thứ sáu, 23/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ông Bùi Kiến Thành: TPHCM là nhịp cầu vững chắc giúp Việt Nam vươn mình

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đặt chân đến Sài Gòn năm 1940, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành có thể được coi là một nhân chứng sống chứng kiến sự chuyển mình của thành phố. Nhiều năm nay, ông trở về sinh sống tại TPHCM, hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị, hướng đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Dưới đây là chia sẻ của vị chuyên gia rất hiểu TPHCM, về lịch sử cũng như tương lai của vùng đất này.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Đô thị kết nối Việt Nam với thế giới

Từng được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, sau 50 năm lớn mạnh trong một hình hài mới, theo ông đâu là đặc điểm khiến đô thị này duy trì được sức sống mãnh liệt như vậy?

- Ông Bùi Kiến Thành: Trong thời kỳ Pháp thuộc, TPHCM (khi đó gọi là Sài Gòn) được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” nhưng với hàm ý là hòn ngọc của nước Pháp. Bản thân người Pháp khi đến Sài Gòn đã quy hoạch đô thị này như một “tiểu Paris” với Nhà hát Lớn, Nhà thờ Đức bà, Dinh Toàn quyền, các đường phố đều mang tên Pháp, nhà cửa được xây dựng theo kiến trúc Pháp cho người Pháp sinh sống.

Tuy nhiên, Sài Gòn muốn phát triển phải có một thành phố vệ tinh và đó là thành phố Chợ Lớn, hiện là quận 5 và quận 6. Từ Sài Gòn ra Chợ Lớn có một đường xe lửa điện, cũng là cung đường chạy từ Chợ Bến Thành tới Chợ Lớn Mới trong thành phố Chợ Lớn. Thương cảng Sài Gòn do người Pháp xây dựng kết hợp với Giang cảng Chợ Lớn, là cầu nối đưa hàng hóa từ miền Tây về Sài Gòn và đưa hàng nhập khẩu từ Pháp đến cho nhu cầu của các miền Hậu Giang lục tỉnh. Về thương mại, người Hoa Kiều ở Sài Gòn thời kỳ đó nắm vai trò chính yếu.

Theo Hiệp định Geneva, người Pháp trao lại Sài Gòn cho Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tạm tiếp quản để tiến tới cuộc trưng cầu Dân Ý vào tháng 7-1956 để quyết định về chính thể chung cho hai miền Nam-Bắc. Cuộc tổng tuyển cử không diễn ra nhưng Sài Gòn đã chuyển đổi mạnh mẽ để trở thành một đô thị thuộc về người Việt Nam. Tầng lớp doanh nhân người Việt lần lần xuất hiện, xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đời sống đô thị.

Tháng 7-1976, Sài Gòn được đặt tên là TPHCM. Đô thị này bắt đầu chặng đường phát triển độc lập, là một thành phố hoàn toàn của người Việt Nam. Làn sóng Đổi Mới được TPHCM đón nhận đầu tiên vì doanh nghiệp và người dân đô thị này đã từng quen với phong cách kinh doanh “vận hành theo cơ chế thị trường”, vận hành quá trình sản xuất hiệu quả. Bài học từ TPHCM được chia sẻ, tiếp thu, về mặt kinh tế. Đó là hình mẫu để các địa phương khác trong cả nước tiếp thu, học hỏi và chuyển đổi phù hợp với điều kiện của mỗi nơi. Từ đó đến nay, TPHCM trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Xuôi theo dòng chảy lịch sử, đến nay TPHCM lại đứng trước một cột mốc quan trọng là sáp nhập các đô thị vệ tinh khác để bước vào một chu kỳ phát triển mới, điều này có ý nghĩa thế nào đối với cơ cấu và quy mô kinh tế của thành phố?

- Vấn đề là với diện tích và hạ tầng hiện tại, TPHCM sẽ khó duy trì vị trí dẫn đầu nêu trên. Cảng Sài Gòn và sau này là Cảng Cần Giờ vẫn chỉ là cảng sông. Định hướng sáp nhập TPHCM với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ giúp hóa giải khúc mắc này. Khả năng là sẽ xây dựng Cảng nước sâu ngoài khơi Vũng Tàu, để tiếp nhận những tàu container cỡ lớn, tầm 20.000 đến 30.000 TEW. Về mặt logistics, cảng nước sâu Vũng Tàu sẽ giúp TPHCM sau sáp nhập trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế lớn, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Nam và khu vực Đông Dương ra thế giới và ngược lại. Cùng với trung tâm tài chính quốc tế đã được quyết định thành lập, TPHCM sẽ trở thành một đô thị kết nối Việt Nam với phần còn lại của thế giới. TPHCM sẽ có “độ mở” lớn về tăng trưởng kinh tế lẫn tầm vóc của một siêu đô thị.

Việc gì nên làm?

Về mặt cơ học, dư địa tăng trưởng của TPHCM sẽ gia tăng sau khi đô thị này chính thức sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế nhưng, để điều này được hiện thực hóa trong thực tế, tư duy quản trị, phối hợp khai thác và nuôi dưỡng các nguồn lực sẽ phải đổi khác. Theo ông, điểm quan trọng nhất cần chú ý là gì?

- Quan trọng là quy hoạch thành phố sau mở rộng phải thuận theo các điều kiện tự nhiên, lợi thế so sánh của từng khu vực. Từ đó, định ra những hoạt động kinh tế phù hợp, thiết kế trước không gian phát triển cho những hoạt động này với tầm nhìn không những trong nhiều thập niên tới mà trong thế kỷ này và thế kỷ tới. Tiếp đó là phân chia quyền hạn và trách nhiệm, vừa tạo ra các công cụ phù hợp, vừa có dư địa cho nhà quản lý thực thi những sáng kiến thúc đẩy sự trưởng thành của từng vùng, từng lĩnh vực.

Cho đến thời điểm này, các địa phương đều chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý liên vùng, liên ngành như vậy nên phải đi học. Chẳng hạn, tại sao thành phố New York lại vượt qua Philadelphia, nơi hình thành ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên của Mỹ để trở thành trung tâm tài chính hàng đầu của quốc gia này và toàn thế giới? New York là thành phố có cảng, sông Hudson của New York ít bị đóng băng hơn. Để tối đa hóa lợi thế đó, thành phố đã xây dựng kênh đào kết nối đến khu vực phát triển nhất của Mỹ ở phía Tây và mở tuyến hàng hải kết nối xuyên Đại Tây Dương. Từ đầu thế kỷ XIX, New York đã là nơi tập trung của các ngân hàng, tập đoàn tài chính hàng đầu, nơi đặt trụ sở của các doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Trong những thập niên sắp tới, TPHCM sẽ phải gánh vác nhiều sứ mệnh, không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước với mức tăng trưởng hai con số mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính của Việt Nam và thế giới... Liệu TPHCM có đáp ứng được những kỳ vọng này hay không và phải giải quyết những vướng mắc gì để hoàn thành sứ mệnh?

- TPHCM cách New York đúng 12 múi giờ, nghĩa là, nếu New York là trung tâm tài chính của Tây bán cầu thì TPHCM có thể trở thành trung tâm tài chính của Đông bán cầu. Khi các hoạt động tài chính trong ngày ở New York kết thúc, nó lại tiếp diễn tại TPHCM của Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khu vực thể hiện cho hơn 50% dân số và hơn 50% GDP của toàn thế giới. Việt Nam nằm ôm lấy Biển Đông, con đường hàng hải huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương với hơn 40% khối lượng thương mại quốc tế đi qua vùng biển này. Tất cả trung tâm kinh tế tài chính quốc tế hàng đầu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thế nhưng, để một trung tâm tài chính tầm quốc tế hoạt động hiệu quả, cần có sự hiện diện của những ngân hàng hàng đầu thế giới và phải để là nơi các tập đoàn tài chính đặt chi nhánh, bảo hiểm, doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Đi kèm với đó là các hạ tầng như trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, hạ tầng lưu trú để phục vụ cho làn sóng chuyên gia nước ngoài đến làm việc trong các tập đoàn quốc tế tạo điều kiện sinh sống tốt nhất để thu hút các nhân sự đó đến làm việc...

Ngoài ra, vẫn cần có hạ tầng thông tin truyền thông, trung tâm dữ liệu. Các nhà quản lý của TPHCM cần cân nhắc những vấn đề như vậy, định hướng xây dựng TPHCM phù hợp, việc gì thành phố nên làm, việc gì không nên làm để khai thác hết tiềm năng của đô thị này. Trên cơ sở đó chính quyền thành phố phải nghiên cứu và thiết lập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mở đường cho việc hiện thực hóa các mục tiêu của thành phố. Trong đó, có việc hình thành và vận hành trung tâm tài chính quốc tế tại đây.

Nhìn về tương lai xa

Theo ông, động lực mạnh mẽ nhất để TPHCM trở thành nhóm địa phương dẫn đầu trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước là gì? Nhân tố con người đóng vai trò ra sao?

- Nhìn suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của TPHCM, đô thị này luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về mặt kinh tế và người dân TPHCM luôn đóng góp một phần thiết yếu trong thành tích này. Trước năm 1975, khu vực dân doanh của Sài Gòn tự gây dựng các nhà máy, công xưởng, xí nghiệp... và rất nhiều trong số đó được tiếp quản, gây dựng lại từ những năm đầu Đổi Mới, trở thành xương sống của khu vực sản xuất tư nhân của Việt Nam.

Như đã nói, người dân TPHCM sớm tiếp xúc với kinh tế thị trường nên có kinh nghiệm tốt hơn và đã cùng hợp tác với người dân các địa phương khác phổ biến kiến thức, kỹ năng quản trị để hỗ trợ kinh tế dân doanh bước những bước chập chững đầu tiên.

Quan trọng hơn, từ khi Việt Nam mở cửa, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thế giới phương Tây, những người Việt rời khỏi Việt Nam trước đó đã quay trở về, hỗ trợ, giúp đỡ trong nước. Ngoài nguồn vốn, những người này còn mang đến trí tuệ cùng các mối quan hệ mà họ đã gây dựng trong những năm xa xứ. Từ năm 1993 đến nay, hơn 200 tỉ đô la Mỹ kiều hối được gửi về Việt Nam, phần lớn về TPHCM. Trong năm 2024, riêng TPHCM đã nhận tới gần 9,6 tỉ đô la Mỹ trong tổng lượng kiều hối khoảng 16 tỉ đô la Mỹ. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp gia tăng tiềm lực phát triển của thành phố trong thời gian qua.

Câu hỏi cuối cùng, thưa ông, ông hình dung như thế nào về TPHCM sau cột mốc 50 năm sắp tới?

- Từ đây đến cuối thế kỷ, tôi kỳ vọng, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từ Nhật Bản kéo xuống Hàn Quốc, Trung Quốc, đến khu vực ASEAN, băng qua Bangladesh tới Ấn Độ sẽ hình thành một cộng đồng phát triển kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giống như Liên minh châu Âu. Các nền kinh tế vừa cạnh tranh vừa hợp tác trong khuôn khổ quy định được các bên cùng thống nhất, đồng quyền lợi, đồng trách nhiệm. Tự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Trung Quốc, Ấn Độ, có nhiều căn cứ để tin tưởng, trung tâm về kinh tế của toàn thế giới sẽ chuyển dịch tới khu vực này. Trong cục diện như vậy, tiềm năng phát triển của TPHCM và Việt Nam sẽ còn được mở rộng hơn nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới