Thứ Ba, 22/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hộ kinh doanh lo ‘đứng ngoài’ nền kinh tế số vì hoá đơn đầu vào

Vân Phong - Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc áp dụng hình thức nộp thuế theo doanh thu và chi phí thực tế yêu cầu là đúng đắn, giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hộ kinh doanh. Nhưng nếu không có hỗ trợ kịp thời, hàng triệu hộ sẽ gặp khó trong việc tuân thủ quy định về hoá đơn đầu vào, thậm chí e ngại áp dụng.

Những tiếng nói từ thực tế

Khác với khung cảnh tấp nập thường thấy, chợ Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) – nơi tập kết, trung chuyển, phân phối hàng hóa từ khắp mọi miền đất nước, bất ngờ vắng lặng những ngày gần đây. Nguyên nhân là do có đoàn cơ quan chức năng về chợ kiểm tra cách đây vài ngày, theo một số hộ kinh doanh.

Ông N.V.T, hộ kinh doanh tại Chợ Thổ Thang, cho biết việc kiểm tra giấy tờ nhập - xuất hàng, hoá đơn, xuất xứ hàng hóa đã gây khó cho tiểu thương.

“Hai xe tải ba chân của nhà tôi thường mua hàng từ các bản, làng tại Sơn La. Ở đó, họ đong hàng vào từng bao, rồi đổ lên xe, nên có biết gì về thuế đâu? Tới khi chúng tôi xuất hàng bán cho khách cũng không có cơ sở tính thuế”, ông T nói.

Hình ảnh hàng loạt tiểu thương ở chợ Thổ Tang đóng cửa những ngày gần đây. Ảnh: PV

Không riêng các hộ kinh doanh tại chợ Thổ Tang, quy định tại Nghị định 70/2025 về việc doanh thu bán ra của hộ kinh doanh được ghi nhận chi tiết và đầy đủ trên hệ thống máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, cũng khiến hộ kinh doanh tại nhiều nơi gặp khó khăn, khi nguồn hàng hóa đầu vào không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ...

Bà N.T.Liên, hộ kinh doanh quần áo tại phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), cho biết đối tác cung cấp hàng hoá cũng là hộ kinh doanh. Thậm chí, không ít đối tác ở TPHCM, nên bà chưa từng trực tiếp gặp mặt họ.

“Không biết họ có thể cung cấp hoá đơn đầu vào (cơ sở để hộ kinh doanh xác định chi phí, lợi nhuận và nghĩa vụ thuế phải thực hiện – PV) cho những đơn hàng đã bán cho tôi thời gian qua hay không?”, bà Liên nêu vấn đề.

Tương tự, ông Trần Tấn Đạt, hộ kinh doanh thực phầm ở quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết 70% nguyên liệu phục vụ hoạt động kinh doanh được nhập từ các chợ đầu mối, tiểu thương có quan hệ làm ăn lâu năm; 30% từ các nhà phân phối có xuất hóa đơn. Do đó, yêu cầu của các cơ quan quản lý về việc phải thu thập đẩy đủ hóa đơn đầu vào, để đáp ứng quy định khởi tạo hóa đơn trên máy tính tiền, kê khai thuế theo doanh thu thực, khiến ông cảm thấy lúng túng.

“Rau, củ, quả phải lấy theo ngày, trong đó một số mặt hàng được mua từ người quen ở quê. Nhưng đa số người cung cấp là nông dân, buôn bán không cố định, nên rất khó để xin hóa đơn hay phiếu thu, biên lai theo quy định, mà chỉ có bảng kê viết tay hoặc tin nhắn điện thoại”, ông Đạt bộc bạch.

Để giải quyết khó khăn, ông Đạt đã chủ động kết nối với các vựa nông sản và siêu thị, những nơi đủ khả năng xuất hóa đơn bán hàng theo quy định, để kí hợp đồng nhập nguyên liệu với giá bán buôn. Nhưng với mức doanh thu chỉ khoảng 100 triệu đồng/tháng, ông lo sẽ không cân đối được giá thành phẩm trong bối cảnh phải nhập vào một lượng lớn hàng hoá, với chủng loại đa dạng mỗi ngày.

Từ góc nhìn chuyên gia, ThS Nguyễn Ngọc Tịnh, Giám đốc công ty tư vấn & đại lý Thuế TPM, nhìn nhận một số quy định khiến nhiều chủ quán ăn hoang mang, như yêu cầu bắt buộc sử dụng máy tính tiền, thời điểm kê khai thuế, truyền dữ liệu, các mức phạt nếu không tuân thủ...

"Có chủ quán phải tạm đóng quán vài ngày để định thần lại vì có quá nhiều điều mới mẻ", ông Tịnh nói và cho rằng các hộ kinh doanh vốn chỉ quen bán hàng và đóng thuế khoán, giờ phải lo máy móc, sổ sách kế toán, hoá đơn đầu vào - đầu ra, nên lo lắng là dễ hiểu.

Theo ông Tịnh, việc không có hóa đơn không đồng nghĩa với hành vi buôn lậu. Nhưng nếu không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, hoặc thiếu giấy biên nhận, bảng kê hàng hoá, chứng từ giao dịch sẽ khiến hộ kinh doanh lâm vào thế khó khi bị kiểm tra. Thậm chí, có thể bị xử phạt vì hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, dù thực tế chúng xuất phát từ các giao dịch mua – bán tại chợ dân sinh, hoặc là hàng hoá tồn đọng nhiều năm.

Cần lộ trình và biện pháp hỗ trợ

Lo ngại việc xóa bỏ thuế khoán, nếu áp dụng cứng nhắc, sẽ gây khó cho các hộ kinh doanh chưa có năng lực kế toán và hạ tầng công nghệ phù hợp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLAW, cho rằng việc xây dựng một lộ trình chuyển đổi hợp lý, đi kèm chính sách hỗ trợ cụ thể, là điều kiện tiên quyết để tránh gây áp lực đột ngột và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Theo đó, các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai một cách thiết thực và hiệu quả, như: cung cấp miễn phí phần mềm kế toán, nền tảng số dùng chung; tư vấn pháp lý chuyên biệt; các chương trình đào tạo thực tế về quản trị doanh nghiệp, kế toán, nhân sự, thuế và pháp luật.

“Những chính sách này không chỉ giảm thiểu chi phí chuyển đổi, mà còn tạo điều kiện để hộ kinh doanh tiếp cận tri thức, kỹ năng cần thiết nhằm phát triển bền vững và chính quy”, ông Hà nói.

Song song với các giải pháp trên, ông Hà cũng mong muốn Chính phủ thúc đẩy thực thi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Đặc biệt, các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa cần được ưu tiên hưởng lợi từ chính sách này, góp phần bảo đảm phát triển bao trùm và công bằng trong nền kinh tế.

“Thực tế triển khai còn phụ thuộc vào việc sửa đổi các luật có liên quan như Luật Quản lý thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành. Vì vậy, trong quá trình xây dựng chính sách cụ thể, cần bảo đảm nguyên tắc khả thi và công bằng, có cơ chế hỗ trợ, tập huấn kế toán đơn giản cho hộ kinh doanh. Đồng thời, ưu tiên các giải pháp số hóa để tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi và giảm gánh nặng tuân thủ pháp luật thuế”, ông Hà nói.

Một phiên livestream bán hàng của tiểu thương chợ Bến Thành. Ảnh: Hoàng Triều

Về giải pháp ngắn hạn, ông Nguyễn Ngọc Tịnh khuyến nghị hộ kinh doanh cần chủ động chuẩn hóa hoạt động mua - bán, ưu tiên chọn nhà cung cấp có xuất hóa đơn, hoặc lưu đầy đủ chứng từ giao dịch để đảm bảo tính minh bạch.

“Việc tuân thủ sớm các yêu cầu về hóa đơn và ghi sổ doanh thu sẽ giúp hộ kinh doanh tránh bị động khi bị kiểm tra và giảm rủi ro về thuế trong giai đoạn siết chặt quản lý từ tháng 6-2025”, ông Tịnh lưu ý.

Thực tế, một số hộ kinh doanh như gia đình chị Trần Tâm (TPHCM) đã chủ động tham gia các khóa học, với nội dung phổ biến thông tin về giải pháp xuất hóa đơn, ứng dụng máy tính tiền. Tuy vậy, chị cũng thừa nhận cần nhiều thời gian hơn để người bán và người mua thích nghi với hình thức và quy định quản lý thuế mới.

3 BÌNH LUẬN

  1. Qui định 1 tỷ phải sử dụng hóa đơn điện tử là rất thấp vì 1 tỷ chia cho 30 ngày ra khoảng hơn 33 triệu do giá hàng hóa cao nên bán phở hủ tíu, bánh mì, thịt cá, tôm, trái cây ..v..v ngoài chợ cũng một ngày thu được doanh số như trên thì sử dụng hóa đơn đt cho ai? người ăn người mua cũng chẳng ai rảnh lấy để làm gì, còn hóa đơn đầu vào mua tùm lum lặt vặt từng chút của người này người kia của người nông dân nhỏ lẽ thì làm gì họ có hóa đơn mà xuất cho? Vì thế qui định như trên không hợp lý. Trong khi DN nhỏ và vừa các cửa hàng nhỏ lẻ lại là thành phần đông nhất trong xã hội, thức khuya dậy sớm dầm mưa dãi nắng cả ngày mệt mỏi. còn phải làm đủ thứ sổ sách báo cáo thuế, nhiều người bán chỉ lấy công làm lời nhiều người kiếm được 1 tháng 15, 20 triệu cũng chỉ bằng lương công chức cán bộ mà bị hành đủ thứ xem ra không công bằng.

  2. 1. Cách tính thuế 1.5% x doanh thu là không hợp lý, tính 1,5% x Lợi nhuận thì hợp lý hơn vì HKD doanh số một tháng của họ không cao. Nếu cao thì qui định mới họ lên Cty hết rồi.
    2. Chứng từ đầu vào: nếu áp dụng triệt để thì:
    – Nông dân trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ khó tồn tại
    – Quán ăn uống nhỏ lẻ không tồn tại nỗi
    – HKD nhỏ cũng không tồn tại nỗi

  3. Chỗ tôi ở nhà làm vài chục cái bánh rán, ít quẩy giao quán phở, quán nước, nhà thì làm dăm cân bún, vài chục cốc chè giao quanh chợ… Giờ đây có nguy cơ thất nghiệp vì các cửa hàng không dám mua nếu không có hóa đơn. Mà các bà, các cô chắc không theo kịp thời đại rùi. Nguy cơ giá cả tăng cao, thất nghiệp dây chuyền đang cận kề rùi. Mong nhà nước có biện pháp,lộ trình cụ thể cho từng nhóm, nghành hàng áp dụng thuế điện tử cho bà con tiểu thương, sản xuất nhỏ lẻ thích nghi được với cuộc sống. Giờ khó càng thêm khó, tầng lớp lao động nghèo làm ngày nào ăn ngày đó, có lương hưu, bảo hiểm gì đâu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới