Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Học làm người tận tâm trong kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Học làm người tận tâm trong kinh doanh

Lại Nguyễn Minh Hưng

(TBKTSG) - Vinh dự là một trong các sinh viên nhận được giải thưởng “Tài năng Bền vững Suntory PepsiCo” (cuộc thi “DYNAMIC, Sinh viên - nhà doanh nghiệp tương lai 2013”) bằng chuyến đi thăm nước Nhật, phần thưởng lớn nhất, thấm thía nhất mà tôi có được là bài học về sự chân thành và tận tâm của người Nhật khi làm kinh doanh.

Bất ngờ đầu tiên chính là việc ông Katsuyasu Kato, Chủ tịch Suntory PepsiCo Việt Nam, đón chúng tôi ở sân bay. Bất ngờ vì không nghĩ lại có chuyện một lãnh đạo cấp cao của một công ty hàng đầu thế giới ra sân bay đón chúng tôi, chỉ gồm bốn sinh viên, khiến chúng tôi cảm động về sự chân thành, chăm chút từ những điều nhỏ nhặt của người Nhật. Và quả thật, sự kỹ lưỡng, tận tâm, chăm chút đó chúng tôi luôn cảm nhận được trong suốt chuyến đi của mình, từ tất cả những người đón tiếp chúng tôi.

Trong thời gian lắng nghe giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển, và những giá trị cốt lõi của Suntory, tôi thật sự ấn tượng với những hoạt động CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) của công ty. Tôi hiểu rằng trong kinh doanh, người Nhật rất tập trung vào sự phát triển bền vững, họ không chỉ chú trọng việc tạo ra lợi nhuận cho mình mà còn quan tâm đến những giá trị công ty đã đóng góp, trên tinh thần chia sẻ với cộng đồng. Người Nhật quan niệm rằng, một công ty tốt không thể tồn tại tách rời với môi trường và xã hội. Xã hội có phát triển thì mới tạo ra sự phát triển của chính bản thân công ty.

Tôi thắc mắc về văn hóa công ty ở Nhật qua câu nói mà nhiều người Nhật tâm niệm “Tôi cống hiến và trung thành mãi mãi với công ty của mình”, và nghe được nhiều câu chuyện đáng học tập. Ông Kato nói ông muốn “dành trọn cuộc đời để thực hiện một mục tiêu lớn gắn liền với tổ chức, với đất nước để rồi khi tổ chức của ta, đất nước của ta tốt đẹp hơn thì cuộc sống của chúng ta cũng ý nghĩa hơn”.

Ở trung tâm phát triển sản phẩm của Suntory sau đó, chúng tôi được nghe một giai thoại khác về sự tận tụy của người Nhật Bản. Đó là một nhân viên của công ty đã dành 50 năm cuộc đời của mình để nghiên cứu một sản phẩm của Suntory với tất cả niềm đam mê, sự tận tâm và lòng trung thành.

Ông Katsuyasu Kato chia sẻ: “Nhiều người vẫn gọi tuổi trẻ các bạn là những nhà lãnh đạo trong tương lai. Nhưng tại sao phải chờ đến tận tương lai? Chúng tôi quan tâm đến những giá trị hiện tại mà các bạn tạo ra. Hãy suy nghĩ và hành động với ý thức rằng các bạn chính là những nhà lãnh đạo của ngày hôm nay, không phải chờ đến ngày mai”.

Gặp những doanh nhân toàn cầu đó, tôi hiểu được những thành tựu của nước Nhật ngày hôm nay là dựa trên tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc và ý chí giữ vững cam kết với bản thân, tổ chức và đất nước của tất cả người dân Nhật chứ không riêng một cá nhân nào. Tôi nhận ra rằng uy tín không nhất thiết thể hiện bằng những điều lớn lao mà từ những hành động đơn giản, nhỏ bé.

Tôi nhớ mãi lời Đại sứ Việt Nam tại Nhật, ông Đoàn Xuân Hưng, khi gặp chúng tôi trên đất khách: “Các cháu chính là người cầm ngọn đuốc thắp sáng chặng đường tiếp theo của Việt Nam. Hãy sống và học tập hăng say, đừng lãng phí tuổi trẻ của mình và thể hiện niềm tự hào của những người con đất Việt”.

Điều tôi trăn trở là tầm nhìn của tuổi trẻ Việt Nam, phải làm sao cho các bạn của tôi hiểu vai trò quan trọng của mình trong việc xây dựng đất nước và mang hình ảnh nước nhà ra môi trường quốc tế. Hơn nữa, làm thế nào để kết nối thế hệ trẻ lại với nhau để tạo ra sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam. Tôi tin rằng không nhất thiết khi bạn thành đạt rồi mới cống hiến, mà hãy làm gì đó từ những điều nhỏ nhặt nhất, ngay từ phút này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới