Thứ Sáu, 23/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

DN được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào 3 nước ASEAN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào 3 nước ASEAN

T.Thu

DN được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào 3 nước ASEAN
DN sẽ được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Ảnh minh họa: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) –  Dự kiến vào khoảng đầu năm tới, doanh nghiệp sản xuất sẽ được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang Indonesia, Philippines và Lào, theo ông Vương Đức Anh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Tại hội thảo do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hôm 26-11 tại TPHCM, ông Vương Đức Anh cho biết, Bộ Công Thương đang soạn thảo thông tư để đưa ra các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp được quyền tự chứng nhận xuất xứ (C/O).

Theo đó, nếu được cấp phép, doanh nghiệp sẽ được chủ động tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa trên hóa đơn thương mại thay vì phải xin giấy chứng nhận xuất xứ form D cho từng chuyến hàng để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang ba nước trên.

Doanh nghiệp được lựa chọn phải là nhà sản xuất, đồng thời cũng là nhà xuất khẩu, và không vi phạm các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, thuế, hải quan. Ngoài ra, dự kiến, doanh nghiệp cũng phải có một kim ngạch xuất khẩu nhất định (hiện chưa xác định rõ kim ngạch), và có cán bộ chuyên trách am hiểu các quy tắc xuất xứ hàng hoá trong hiệp định thương mại (hàng hóa ASEAN – PV).

Theo bà Deborah K. Elms, Giám đốc điều hành tại Trung tâm thương mại châu Á (đặt tại Singapore), tiêu chí để chọn ra nhà xuất khẩu được tự chứng nhận C/O nên là doanh nghiệp có đủ năng lực để thực hiện, bất kể là công ty quy mô lớn hay nhỏ. Chẳng hạn như, sản phẩm của công ty này là thuần túy, tức có nguyên liệu và quy trình sản xuất tại Việt Nam. Bởi vì, việc này dễ dàng để doanh nghiệp tự chứng nhận. Với những sản phẩm phức tạp, có nhiều chi tiết, linh kiện, doanh nghiệp sẽ khó thực hiện việc tự chứng nhận.

Việc tự chứng nhận này thuộc một dự án nhằm chuẩn bị cho mục tiêu của ASEAN là sẽ có hệ thống tự chứng nhận xuất xứ chung cho toàn khối trong năm 2015. Để thực hiện mục tiêu này, Brunei, Singapore, Malaysia, từ năm 2010 và Thái Lan từ năm 2011 đã tham gia dự án số 1 nhằm cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam cũng đã tuyên bố chính thức tham gia dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ số 2 cùng Lào, Philippines và Indonesia và đang chuẩn bị thủ tục trong nước để thực hiện. Với việc thí điểm này, doanh nghiệp có thể tự chứng nhận, hoặc vẫn xin giấy chứng nhận C/O như lâu nay.

Theo ông Vương Đức An, dự án sẽ kéo dài một năm. Sau đó các nước ASEAN sẽ cùng thống nhất về việc áp dụng, theo đó đối tượng doanh nghiệp cũng như thị trường áp dụng sẽ rộng chứ không bó hẹp như trong dự án thí điểm số 2.

Không chỉ với ASEAN, mà tự chứng nhận C/O là xu thế trong các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam có tham gia, như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các thị trường lớn như Mỹ. Do đó, Bộ Công Thương cũng tính toán chuyển dần từ việc cấp giấy C/O sang hình thức doanh nghiệp tự chứng nhận C/O, ông Vương Đức An cho biết.

Tuy nhiên, để được tự chứng nhận C/O, doanh nghiệp phải nắm rõ quy định về C/O với từng mặt hàng cụ thể, cũng như xây dựng bộ phận chuyên trách về C/O, và có hệ thống lưu trữ chứng từ trong 3-5 năm để cơ quan quản lý kiểm tra thường xuyên hay đột xuất khi có yêu cầu xác minh từ nước nhập khẩu.

Hơn nữa, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung tự khai báo, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép tự chứng nhận xuất xứ, và bị xử phạt hành chính.

Theo bà Deborah K. Elms, thông thường khi công ty tự chứng nhận C/O bị phát hiện gian lận, các nước nhập khẩu sẽ không chấp nhận việc tự chứng nhận C/O của cả một ngành sản xuất tại Việt Nam, chứ không riêng công ty vi phạm. Do đó, Việt Nam phải có xử phạt nặng để răn đe, và tăng cường tập huấn cho doanh nghiệp. Hiện tại Singapore, doanh nghiệp vi phạm chịu mức phạt gấp 2-3 lần giá trị lô hàng xuất khẩu, và ngồi tù.

Việc tự chứng nhận C/O giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, giảm tải công việc cho cơ quan cấp giấy C/O, nhưng tăng trách nhiệm cho cơ quan hải quan. Theo bà Đặng Thị Hải Bình, Cục giám sát quản lý về hải quan – Tổng cục Hải quan, hiện nay, giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, nên cơ quan hải quan chỉ kiểm tra tính hợp lệ của giấy này khi doanh nghiệp nộp lên. Tuy nhiên, việc tự chứng nhận trong thời gian tới sẽ tạo sự lỏng lẻo dễ làm tăng gian lận thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu. Do đó, cũng cần tăng cường năng lực cho cơ quan hải quan, đặc biệt trong việc hậu kiểm, bà Bình nói.

Xem thêm:

Việt Nam xem xét thí điểm DN tự chứng nhận xuất xứ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới