“Lợi suất” là gì?
Thái Bình
(TBKTSG Online) - Bỏ ra một khoản tiền đầu tư (vốn), ai cũng mong đợi sẽ được nhận một khoản lợi nhuận (lãi) sau một thời gian nào đó. Tùy theo phương thức đầu tư mà trong tiếng Anh, khoản lãi này được gọi bằng những từ khác nhau: interest, divident, yields… gắn với những sản phẩm tài chính khác nhau: loan, equity, bond, v.v...
Nếu gửi tiền tiết kiệm (savings) thì phần lợi nhuận thu được gọi là lãi (interest) theo một lãi suất (interest rate) nhất định thỏa thuận giữa người gửi và ngân hàng. Nếu bỏ tiền mua cổ phiếu (stock) trên thị trường chứng khoán, phần lợi nhuận được chia định kỳ gọi là cổ tức (dividend). Khác với interest, dividend không có một mức cố định mà biến động theo kết quả kinh doanh của công ty phát hành cổ phiếu đó.
Với trái phiếu (bond) thì khác. Ngoài yếu tố tiền lãi (coupon rate), người đầu tư vào bond còn được hưởng một khoản nữa, gọi là yield, tạm dịch tiếng Việt là “lợi suất”.
“Lợi suất” là gì và tại sao các thương nhân, các chính trị gia và các nhà báo thường chú ý rất nhiều đến sự tăng giảm của lợi suất, coi đó như là thước đo tâm lý buồn vui của thị trường tài chính và uy tín của một quốc gia, một doanh nghiệp?
Báo The Economist giải thích về trái phiếu: “A bond is a financial security which allows a government or firm to borrow money from markets”. Bond có nhiều loại, do các chính phủ (trái phiếu chính phủ), các thành phố (trái phiếu đô thị) hoặc doanh nghiệp (trái phiếu công ty) phát hành. Nhưng “the most common sort entitles the owner to occasional interest payments and the return of the principal on a specified maturity date (ngày đáo hạn)”.
Cũng như sản phẩm tiền gửi tiết kiệm, kỳ phiếu, bond có mức lãi suất (coupon rate) cố định, được ấn định thông qua kết quả đấu thầu (auction) trái phiếu. Tuy nhiên, một khi đã phát hành và lưu thông trên thị trường, bond trở thành một sản phẩm tài chính được các nhà đầu tư mua đi bán lại trên thị trường chứng khoán.
Khi ấy, lãi suất và kỳ hạn của bond không thay đổi (interest payment and maturity dates remain constant) nhưng giá (price) của bond lại thay đổi theo cung-cầu của thị trường. Sự thay đổi giá của bond là yếu tố tạo nên lợi suất (yield).
Ví dụ, một nhà đầu tư bỏ ra 1.000 đô la Mỹ mua lô trái phiếu chính phủ (government bond) thời hạn 10 năm, lãi suất 3%/năm vào thời điểm tháng 1-2011 và đến tháng 1-2016 người đó muốn bán lại số trái phiếu này. Khi đó, lãi suất và ngày đáo hạn không thay đổi nhưng giá bán lô trái phiếu có thể sẽ cao hơn hay thấp hơn con số 1.000 đô la mà người đó đã bỏ ra; do đó lợi suất (yield) có thể khác với lãi suất ghi trên trái phiếu (coupon rate).
The one normally shown in the financial pages is the “yield to maturity”: the rate of return an investor could expect to receive given the price paid and the remaining interest and principal payments due on the bond.
Trong ví dụ trên, nếu người mua bỏ ra 950 đô la để mua lô trái phiếu ấy và cầm giữ cho tới ngày đáo hạn sau 5 năm nữa thì ông ta có thể nhận được 1.000 đô la (vốn, principal) cộng với 150 đô la tiền lãi (coupon) (1.000 x 3% x 5); tính ra, nhà đầu tư này kiếm được 200 đô la (không tính lạm phát). Tỷ lệ lợi suất (yield rate) ở đây là 200/1.000/5 = 4%/năm.
Nếu người đó mua lô trái phiếu không phải với giá (price) 950 đô la mà chỉ 900 đô la thôi, thì lợi suất sẽ là 5%/năm. Tính ra, lãi suất trái phiếu không thay đổi nhưng giá trái phiếu càng cao thì lợi suất càng giảm và ngược lại. When bond prices rise, investors can expect to receive less back in interest and principal as a share of the price paid, and so the yield falls. Falling bond prices, on the other hand, mean higher yields.
Sự tăng giảm lợi suất trái phiếu chứa đựng thông tin về độ tin cậy (creditworthiness) của nhà phát hành (issuer): lợi suất thấp thì độ tin cậy cao hơn và ngược lại; khi nhà phát hành có nguy cơ phá sản thì lợi suất trái phiếu tăng vọt và giá trái phiếu lao dốc. Năm 2010, thị trường lo ngại chính phủ Hy Lạp không trả được nợ, các nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu chính phủ Hy Lạp đã vội vã bán tháo với giá thấp để thu hồi vốn, và lợi suất tăng cao gấp nhiều lần so với lợi suất trái phiếu các chính phủ châu Âu khác.
Trái phiếu nhìn chung ít rủi ro hơn cổ phiếu và sự thay đổi lợi suất lại báo hiệu những xu hướng đáng chú ý khác: nếu lợi suất giảm đồng loạt cả ở những trái phiếu an toàn nhất thì có khả năng thị trường đang lo lắng và bi quan, nền kinh tế sắp đi vào giai đoạn trì trệ thậm chí suy thoái; nhà đầu tư không muốn bỏ tiền vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán (stock), hàng hóa chiến lược (commodities) mà muốn tìm nơi trú ẩn an toàn cho đồng vốn, trong đó trái phiếu chính phủ được coi là kênh đầu tư an toàn. Khi có nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường trái phiếu thì giá trái phiếu tăng lên, lợi suất giảm xuống tương ứng.
Theo dõi diễn biến của lợi suất vì vậy là việc làm thường xuyên không chỉ của giới đầu tư mà của những người quan tâm tới kinh tế.