Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chống lũ: bao nhiêu nhà phao cho đủ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chống lũ: bao nhiêu nhà phao cho đủ?

Nguyễn An Sa

Chống lũ: bao nhiêu nhà phao cho đủ?
Nhà phao phát huy tác dụng trong trận lũ vừa qua ở Tân Hóa (Quảng Bình). Ảnh: Tuổi trẻ Online.

(TBKTSG Online) - Chừng 5 năm trước, Phạm Hữu Thủy, một sinh viên Đại học Hồng Bàng có sáng kiến tạo ra nhà phao giúp dân miền Trung đối phó với những trận lũ ngày càng khốc liệt.

Trong trận lũ lịch sử vừa qua ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, những ngôi nhà phao đã phát huy tác dụng…

Những ngôi nhà có kết cấu nhẹ, sườn khung bằng gỗ, sắt, có mái tôn, bên dưới có phao (lấy ý tưởng từ những chiếc bè mà dân nghèo thường sử dụng vượt sông, vượt lũ) và có dây chằng bốn góc cố định, thi công đơn giản đã xuất hiện ở những vùng “điểm nóng” của các mùa lũ, những vùng hạ nguồn thủy điện.

Có hẳn dự án Nhà chống lũ ra đời năm 2014, đến nay hoạt động khá hiệu quả trên mạng xã hội, quy tụ nhiều tấm lòng hảo tâm. Nhiều tổ chức xã hội cũng đã góp tay mở rộng các dự án dạng này để góp cho dân vùng lũ những ngôi nhà phao bảo đảm an toàn trong những trường hợp mưa lũ đột ngột hay xả đập thủy điện.

Trong trận lụt vừa qua ở tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, mô hình những ngôi nhà phao đã cho thấy hiệu quả cụ thể. Chưa có con số thống kê, nhưng nhiều người đã được cứu sống nhờ những ngôi nhà phao thế này. Cảnh những ngôi nhà ngập nóc, dân phải trổ ngói kêu cứu đã giảm bớt, thay vào đó, là hình ảnh những người già, em bé an tâm ngồi trong những ngôi nhà phao đang dâng theo mực nước để chờ cơn lũ đi qua.

Hình ảnh đó cho thấy nỗ lực của các tổ chức xã hội, những nhóm thiện nguyện, phi chính phủ đã nhạy bén và nhìn thấy trước được những nguy cơ từ môi trường trong một bối cảnh phát triển không bền vững và những hệ lụy của nó có thể gây ra đối với dân nghèo.

Mô hình nhà phao chống lũ ban đầu được tính toán khoảng 200 triệu đồng/nhà, về sau, việc liệu cơm gắp mắm để có được nhà phao cho nhiều nơi, nhiều người (không chỉ ở miền Trung mà còn mở rộng xuống đồng bằng sông Cửu Long), nên các dự án thường gói ghém lại chừng 50-100 triệu đồng/nhà.

Người dân nghèo cần đến những chiếc phao để được an toàn về tính mạng, nhưng họ cũng cần hơn những chiếc phao của niềm tin. Sẽ không tổ chức xã hội nào có thể đảm bảo hay lo xuể cho người dân nghèo ở những vùng rốn lũ nếu như cơ quan chức năng vẫn cứ vì nguồn lợi trước mắt, lợi ích nhóm mà nhân rộng mô hình phát triển không bền vững, bỏ qua những hệ lụy tác động lên đời sống người dân. Cũng không tổ chức từ thiện nào có thể lo cho dân hết đói nếu như những chính sách phát triển bỏ qua những điều kiện an sinh dành cho họ.

Những dự án thấy trước tác hại môi trường và tác động xấu đến đời sống người dân vẫn đang được quyết liệt triển khai, bất chấp mọi sự phản biện. Những ngôi nhà phao cứu niềm tin được buộc cố định bốn góc tròng trành trong lũ dữ cũng sẽ đến lúc trở nên mong manh vô cùng khi chiếc phao niềm tin vào chính sách phát triển không được chính quyền quan tâm củng cố.

Và không mô hình nhà phao nào có thể cứu vãn được niềm tin dân chúng sau những phát ngôn lạnh lùng, vô cảm kiểu “xả lũ đúng quy trình” của nhà chức trách.

Cậu sinh viên Đại học Hồng Bàng hay những người trẻ tham gia các dự án kêu gọi cộng đồng chung tay làm nhà chống lũ cứu dân cũng hẳn không mong một ngày đâu đâu cũng thấy nhà phao!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới