Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dữ liệu mở và quyền tiếp cận thông tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dữ liệu mở và quyền tiếp cận thông tin

Nguyễn Quang Đồng

(TBKTSG Online) - Những ảnh khốc liệt về các trận lũ lụt liên tiếp đầu tháng 10 vừa qua thôi thúc cá nhân tôi tìm hiểu xem hiện trạng về rừng - tấm lá chắn lũ, đang như thế nào. Nhưng lục tìm trong dữ liệu của Tổng cục Thống kê, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), Bộ Tài nguyên và Môi trường - những cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý và có thể có những dữ liệu tôi cần, những gì tôi có được chỉ là những mảnh ghép lỗ chỗ...

Số liệu công khai duy nhất ở đây là các con số mất rừng ở Tây Nguyên, và các báo cáo về trồng rừng của Bộ NN&PTNN. Luật Bảo vệ và phát triển rừng đang được nghiên cứu để sửa đối và tôi biết được rằng, bộ này - đầu mối quản lý về lâm nghiệp, có các số liệu chi tiết về hiện trạng rừng. Nhưng những báo cáo đó là không thể tiếp cận được.

Đầu tuần vừa rồi, trong một cuộc họp kỹ thuật về chính sách dành cho “dữ liệu mở” mà tôi tham gia, nút thắt tiếp cận dữ liệu của Nhà nước, được các đại biểu đồng ý cao là vấn đề lớn nhất. Khó khăn không đến từ công nghệ. Vấn đề nằm ở chỗ “quyền tiếp cận” và mức độ công khai của các cơ quan nhà nước sở hữu dữ liệu.

Một đại diện làm việc trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường cho biết, 90% dữ liệu trong ngành này được xác định là “mật”. Nhưng từ góc độ kỹ thuật, vị chuyên gia nhận xét, phần lớn trong số đó thực ra không hẳn là bí mật nhà nước. Dữ liệu về đất đai, thông tin về quy hoạch chẳng hạn, từng phần thông tin, dưới các hình thức khác nhau, đều đã được công bố. Nếu có sự tổng hợp và kiểm tra các nguồn dữ liệu khác nhau, tổ chức hay cá nhân cần dữ liệu vẫn có thể có được thông tin mình mong muốn. Nhưng cách làm đó dĩ nhiên là mất thời gian và vô cùng “tốn công”.

Nhìn rộng sang các lĩnh vực khác, công khai minh bạch vẫn là khâu yếu trong năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Lĩnh vực ngân sách chẳng hạn, trong một đánh giá về chỉ số công khai ngân sách do International Budget Partnership công bố (1), năm 2015, Việt Nam có điểm tổng hợp là 18/100. Con số này, dù tăng liên tục qua các năm khảo sát (2006 là 3 điểm, 2008 là 10 điểm, 2010 là 14 điểm, 2012 là 19 điểm, và 2015 là 18 điểm), nhưng vẫn ở khoảng cách khá xa phía sau các nước trong khu vực, như Thái Lan (42 điểm), Malaysia (46 điểm) và thấp hơn trung bình toàn cầu tới 45 điểm. Nhìn sâu vào các điểm số thành phần, thông tin về ngân sách từ phía Chính phủ cung cấp cho các cơ quan giám sát như Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cơ quan dân cử, được đánh giá là tốt (lần lượt điểm thành phần là 75 và 61). Nhưng thông tin về ngân sách mà Chính phủ cung cấp cho người dân chỉ có điểm thành phần là 42 và được nhận xét là “hạn chế”. Những con số đó phản ánh một phần bức tranh vẫn còn nhiều điểm tối về mức độ công khai các thông tin mà Chính phủ có trách nhiệm cung cấp cho người dân.

Cũng trong tuần, có hai báo cáo về hiện trạng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ và KTNN cung cấp. Tổng nợ của toàn bộ khu vực này tới 1,5 triệu tỉ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế chỉ 139.000 tỉ đồng và nộp ngân sách 251.000 tỉ đồng. Tại bốn doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, KTNN xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 491,5 tỉ đồng; giá trị vốn nhà nước tăng thêm 6.374,7 tỉ đồng; giá trị thực tế doanh nghiệp tăng 7.172,3 tỉ đồng. Những con số “ngàn tỉ” nói lên rằng, nếu như số liệu được công bố sớm, người dân và các cơ quan giám sát nắm được và có áp lực lớn hơn, rất có thể, tình hình đã đỡ xấu đi so với hiện nay.

Trở lại với câu chuyện về rừng, cá nhân tôi không có được con số chính xác diện tích rừng bị mất đi theo các khoảng thời gian, qua dữ liệu thống kê của cơ quan nhà nước. Nhưng bằng cách so sánh các bức ảnh chụp vệ tinh bằng công cụ Google Maps về rừng ở những khu vực cố định trong những khoảng thời gian khác nhau, tôi có thể nhận biết được rừng đã biến mất như thế nào. Những bức ảnh trực quan và sắc nét, tiếp cận hoàn toàn miễn phí trên Internet chỉ qua vài thao tác nhấp chuột, là một cách khác giúp tôi có thêm thông tin về vấn đề mình quan tâm. Nhưng dù thế nào đi nữa, thông tin từ khu vực ngoài nhà nước - như Google Maps, chỉ đóng vai trò bổ trợ chứ không thể hoàn toàn thay thế thông tin chính thức từ Nhà nước.

Cá nhân tôi sẽ có được thông tin về mất rừng, nhưng không thể biết chính xác tác nhân nào phá rừng nhiều nhất: thủy điện - như phần đông dư luận xã hội vẫn quy kết, hay chuyển đổi rừng cho mục đích kinh tế khác? Và nếu không có những dữ liệu giúp hiểu và phân tích thấu đáo toàn bộ các yếu tố trong tiến trình đó, dù có muốn thực hiện trách nhiệm công dân của mình, muốn đóng góp ý kiến về chính sách cho các cơ quan nhà nước, cá nhân tôi, cũng như các tổ chức ngoài nhà nước khác, khó có thể làm tốt việc của mình.

Chúng ta đã có Luật Tiếp cận thông tin, có nền tảng và hệ thống công nghệ phát triển, nhưng chìa khóa “tiếp cận”, “công khai” vẫn đang nằm trong tay các cơ quan nhà nước.

------------------

(1) Có thể xem báo cáo tại địa chỉ https://www.internationalbudget.org/budget-work-by-country/findgroup/group-data/?country=vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới